Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển” (Đề án 52) góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ sinh con ở vùng biển, đảo tại tỉnh Khánh Hòa. Các gia đình ở đây đã bước đầu thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).
Thay đổi nếp nghĩ cũ
Người dân Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang) trước đây thường cố sinh nhiều con, nhất thiết phải có con trai, nối dõi tông đường, đồng thời để nối nghiệp đi biển. Nhưng đến nay nhiều gia đình tại đây đã không còn cảnh đông con như vẫn thường thấy ở các làng chài ven biển.
Anh Huỳnh Thanh Hải, nhà ở ô 25, Hòn Rớ làm nghề câu cá ngừ đại dương. Hiện có 2 con gái nhưng vợ chồng anh vẫn quyết định dừng sinh. Anh cho biết: Qua các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các buổi tuyên truyền về DS – KHHGĐ của xã Phước Đồng, nhận thức của vợ chồng anh đã thay đổi. Nếu sinh nhiều để mong có con trai, mình phải chăm lo đều cho các con nên chúng sẽ chịu thiệt thòi. Trai hay gái đều tốt, miễn là có điều kiện đầu tư chăm sóc, nuôi dạy con cái ăn học đến nơi đến chốn.
Bà Hồ Thị Bốn (lô 1005, ô 20, Hòn Rớ) nhớ lại: Khoảng hơn 10 năm trước, hầu như gia đình dân biển nào cũng có 4 – 6 con. Thế nhưng đến nay, hầu như các gia đình trẻ đều chỉ có 1 – 2 con. Thực hiện tốt KHHGĐ, 4 người con đã lập gia đình của bà chưa có cặp nào sinh con thứ 3. Bà tâm sự: “Trước đây, sinh con ra cứ bỏ lăn bỏ lóc, chỉ cần có cơm ăn là mừng, phụ nữ và trẻ em đều rất khổ. Bây giờ sinh ít, nguy cơ rủi ro sức khỏe bà mẹ ít, lại có điều kiện để chăm sóc con tốt hơn”.
Tuyên truyền DS – KHHGĐ cho ngư dân vùng biển – Ảnh: CTV
Huyện Vạn Ninh có 10/13 xã, thị trấn thuộc vùng biển, đảo, ven biển. Theo Bác sĩ Huỳnh Tình – Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân miền biển đã có ý thức tốt về KHHGĐ. Tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai của huyện là 72,6% năm 2009, đến năm 2013 đã tăng lên 84,5%.
Mở rộng mô hình truyền thông lồng ghép
Theo Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Hiên, Quyền Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh, dân số vùng biển, đảo chiếm hơn 42% dân số toàn tỉnh. 5 năm trước, mức sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng biển là 2,8 con; từ đó làm mức sinh chung của toàn tỉnh tăng theo. Nguyên nhân chính là do tập quán nghề biển cần có con trai để nối nghề. Trong khi đó, trình độ học vấn và tỷ lệ lao động được đào tạo tại vùng biển, đảo còn khá thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh.
Từ năm 2009, thực hiện Đề án 52 tại 5 huyện, thị, thành phố là Vạn Ninh, Ninh Hòa, TP Nha Trang, Cam Lâm và Cam Ranh với 46 xã tham gia, công tác truyền thông, tư vấn, tổ chức các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS/KHHGĐ; sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn, khám sức khỏe cho thanh niên trẻ, các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn, thành lập các câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên, CLB không sinh con thứ 3…
Nhờ sự phối hợp tốt với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hội Phụ nữ… những mô hình, hoạt động này đã giúp các gia đình vùng biển đảo, ven biển biết cách biết cách chăm sóc sức khỏe, áp dụng các biện pháp tránh thai phù hợp. Mức sinh của vùng biển, đảo giảm đáng kể. Trước đây, mỗi gia đình có tới 5, 6 người con thì nay bình quân số con vùng ven biển chỉ còn 1,88 con. Mức sinh này đã nằm trong mức sinh chung của phụ nữ toàn tỉnh. Đề án 52 sẽ được thực hiện đến năm 2020 vì vậy Chi cục DS – KHHGĐ đã có kế hoạch đề nghị Tổng cục DS – KHHGĐ tăng thêm nguồn lực đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, tư vấn và nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho người dân vùng biển, duy trì và mở rộng các mô hình.
>> Năm 2015, Chi cục DS – KHHGĐ Khánh Hòa kiến nghị Tổng cục Dân số tăng thêm kinh phí để đẩy mạnh truyền thông, vận động, tư vấn và nâng cao nhận thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân vùng biển; mở rộng các mô hình truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ cho lao động đặc thù làm việc trên biển, mô hình quân dân y kết hợp và mô hình cung cấp dịch vụ lao động trong các khu công nghiệp ven biển, đảo; đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản, SKSS/KHHGĐ cho vùng biển… |