Những năm gần đây, nghề nuôi cá tra vẫn thăng trầm bởi giá cả lên xuống thất thường, thị trường tiêu thụ ngày càng khó tính. Hướng đến sản xuất cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP để phát triển nghề theo hướng bền vững, ổn định đầu ra… là việc làm cần thiết. Tuy nhiên không dễ triển khai.
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó tổng cục trưởng Thủy sản: VietGAP tạo thị trường bền vững
Tổng cục Thủy sản đang làm việc với đại diện Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GAA) tại Việt Nam – đơn vị xây dựng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (BAP), để thống nhất tiến trình hài hòa, công nhận lẫn nhau giữa tiêu chuẩn BAP và VietGAP. Việc làm này nhằm sản xuất những sản phẩm “sạch”, an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thị trường xuất khẩu bền vững, ổn định. Theo đó, các bên liên quan sẽ ngồi lại, xem xét và thống nhất việc so sánh từng điều khoản kiểm soát quy định trong tiêu chuẩn; thời hạn thực hiện được đưa ra rõ ràng, nhanh chóng để sớm hoàn thành và công bố cho quốc tế việc công nhận. Đây cũng là cơ sở để sản phẩm VietGAP được chấp thuận của các nhà nhập khẩu quốc tế; đồng thời là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP 29/4/2014 của Chính phủ về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra.
Ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Tháo gỡ khó khăn để chứng nhận đến gần người nuôi hơn
Năm 2015, theo chủ trương của Tổng cục Thủy sản, tiếp tục phổ cập tiêu chuẩn VietGAP cho mọi trại nuôi, người nuôi. Theo đó, UBND tỉnh, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản các tỉnh, thành phố tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện chủ trương kể trên. Trong quá trình thực hiện, những khó khăn phải được giải quyết theo yêu cầu của từng hộ gia đình, từng trại nuôi… Với những trại nuôi đã đủ tiêu chuẩn VietGAP, cần hỗ trợ xem xét hướng đến chứng nhận cho những trại nuôi này theo tiêu chuẩn BAP, GlobalGAP… để đáp ứng những quy định, yêu cầu của thị trường. Tuy nhiên, cần có những ưu đãi, hỗ trợ khi xem xét cấp chứng nhận cho những trại nuôi theo tiêu chuẩn này, vì nhiều trại nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAP nhưng chưa đạt các tiêu chuẩn cao cấp hơn. Lợi ích của việc cấp chứng nhận BAP, GlobalGAP… là rõ rệt, cơ quan quản lý nên hỗ trợ bằng chủ trương, tháo gỡ khó khăn của các trại nuôi trong quá trình nâng cấp từ VietGAP lên các tiêu chuẩn cao hơn, để lợi ích đến gần người nuôi hơn. Doanh nghiệp thu mua, chế biến cũng nên nắm được yêu cầu và mua với giá thực của sản phẩm, để mọi người tham gia chuỗi sản xuất đều có lợi.
Ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Thủy sản Cần Thơ: Áp dụng VietGAP không thể “một sớm, một chiều”
Sản xuất sạch, an toàn là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam và thế giới. Vì vậy, quy trình nuôi cá tra phải áp dụng theo VietGAP, tạo nền tảng đạt các tiêu chuẩn, giúp cá tra hướng đến thị trường khó tính trên thế giới. Doanh nghiệp có thừa khả năng áp dụng chuẩn VietGAP trong nuôi trồng, chế biến cá tra, nhưng đây lại là trở lực đối với nông dân, bởi việc chuyển đổi từ nuôi cá đơn thuần sang nuôi theo chuẩn VietGAP không dễ. Do cơ sở vật chất (ao nuôi, hầm xử lý nước thải, tập quán sản xuất…) của người dân được xây dựng từ nhiều năm trước, nên khi xây dựng lại theo chuẩn VietGAP sẽ tốn kém nhiều. Khi tiêu chuẩn VietGAP ra đời, nhiều nông dân không đủ vốn để cải tạo hệ thống ao nuôi phát triển theo chuẩn. Giá chứng nhận các tiêu chuẩn chưa được quản lý. Trong khi, giá cá nguyên liệu áp dụng tiêu chuẩn VietGAP chưa được công nhận nên vẫn thấp. Tình trạng phát triển sản xuất cá tra theo chuẩn VietGAP trong nông dân chưa được nhiều người hưởng ứng và còn bấp bênh. Việc áp dụng VietGAP không thể nhanh chóng thực hiện được mà cần có thời gian.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Tân Phát: Nuôi theo tiêu chuẩn sẽ hiệu quả hơn
HTX Thủy sản Tân Phát đang thả nuôi 5,5 ha cá tra theo chuẩn VietGAP. Tiêu chuẩn này được thực hiện từ những ngày đầu triển khai. Giá bán cá tra đang 22.800 – 23.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi lãi 1.000 – 1.500 đồng/kg. Đang mùa cao điểm thả giống, HTX thả nuôi trung bình 800.000 con cá giống/tháng, thu hoạch 300 tấn cá/tháng.
Tuy nhiên, việc thực hiện các tiêu chuẩn khác như GlobalGAP, BAP khó thực hiện do diện tích nuôi của HTX đều rải rác, không tập trung quy hoạch thành một vùng nuôi cụ thể. Việc nuôi cá tra đạt chuẩn VietGAP khiến người nuôi phải tuân thủ nghiêm quy trình nuôi; từ ghi nhật ký, sử dụng thuốc, thức ăn… nhưng giá cá bán không cao hơn nuôi thường. Tuy nhiên, nuôi theo tiêu chuẩn sẽ giúp sản phẩm tiêu thụ dễ hơn. Nếu được hỗ trợ hoặc tư vấn về các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ cơ quan quản lý nhà nước hay doanh nghiệp thì việc nuôi theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, BAP chắc chắn đem lại hiệu quả hơn, do đáp ứng tiêu chuẩn thị trường cụ thể.
>> Chỉ có 20% hộ nuôi cá tra, basa Việt Nam đạt các chứng nhận của bên thứ ba độc lập. Như vậy còn tới 80% hộ nuôi không theo tiêu chuẩn nào. |