Các biểu hiện biến đổi khí hậu (BĐKH) như nắng nóng, bão lũ, hạn hán kéo dài, đặc biệt là gia tăng nhiệt độ và thay đổi lượng mưa, tác động tiêu cực đến nguồn nước và sức khỏe tôm nuôi, gây dịch bệnh. Cần xây dựng các giải pháp đặc thù cho các vùng nuôi để dần thích ứng những điều kiện do BĐKH gây nên.
Tác động
Nghề nuôi tôm thường xuyên chịu tác động của thời tiết và thiên tai do BĐKH gây ra các biểu hiện thời tiết cực đoan điển hình như bão lũ, triều cường, nước biển dâng, nhiệt độ tăng, sóng lớn, gió khô nóng. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến hoạt động nuôi tôm, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi. Có những vùng nuôi, nhiệt độ mùa hè tăng 1,4 – 1,80C vào giữa thế kỷ 21; tăng 3,1 – 3,70C vào cuối thế kỷ 21. Cùng đó là sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn. Mức tăng nhiệt độ này bắt đầu vượt ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái và gây ra nhiều tác động nghiêm trọng đến sinh trưởng của tôm nuôi. Vào mùa mưa, lượng mưa tăng mạnh đã gây lũ lụt kéo theo những biến động môi trường lớn, độ mặn giảm đột ngột, khiến tôm mất thăng bằng, bị sốc, có thể gây chết hàng loạt. Hơn nữa có thể làm hư hại các công trình nuôi. Mùa khô đến sớm, hạn hán kéo dài, chất lượng nước nuôi kém, độ mặn tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm, làm tôm khó lột vỏ, ảnh hưởng trực tiếp năng suất nuôi.
Hiện tượng ô nhiễm môi trường và chất lượng nguồn nước diễn biến phức tạp, ngày càng khó kiểm soát, diện tích phát bệnh tăng đột biến, đe dọa việc nuôi tôm bền vững hiện nay. Có thể thấy BĐKH đã và đang có những tác động xấu đến nghề nuôi tôm Việt Nam.
Giải pháp
Nuôi tôm thích ứng BĐKH, quan trọng nhất là điều chỉnh các hoạt động nuôi phù hợp. Tùy từng hệ thống nuôi, cần phải trang bị cơ sở hạ tầng, vật chất để đảm bảo nhu cầu sản xuất như: hệ thống điện, kho chứa thức ăn, kho chứa và bảo quản, máy quạt nước, máy bơm, dụng cụ đo môi trường và các thiết bị phụ trợ khác để phản ứng kịp thời mọi tình huống, giảm thất thoát. Xây dựng hệ thống cấp đủ nước sạch và có hệ thống thoát nước riêng biệt. Ao chứa chiếm 20 – 25% diện tích nuôi, để chủ động nguồn nước cấp và hạn chế mầm bệnh lây lan từ bên ngoài vào ao nuôi. Với những hệ thống nuôi quảng canh phụ thuộc chủ yếu vào tác động của khí hậu và điều kiện thiên nhiên thì việc thiết kế, bố trí lại công trình nuôi, đồng ruộng, ao đầm được ưu tiên hàng đầu. Trang bị đầy đủ và đảm bảo chất lượng các nguyên liệu phục vụ trong quá trình nuôi (vôi, chất khoáng, men tiêu hóa…) giúp tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho tôm nuôi.
Mô hình nuôi tôm nhà kính hạn chế rủi ro do thời tiết gây ra – Ảnh: Thanh Nhã
Các hệ thống ao đầm nuôi cũng cần được thiết kế theo hướng gia tăng chiều sâu (> 1,2 m), giảm sự biến động nhiệt độ giữa ngày và đêm, hạn chế hiện tượng tôm bị sốc. Bờ ao cần được kiên cố để chống xói lở và hạn chế rò rỉ. Nâng cao bờ bao tương ứng mực nước biển để khắc phục hiện tượng nước biển tràn vào.
Sau mỗi vụ nuôi phải có thời gian để ngắt vụ tiêu diệt các mầm bệnh và phục hồi môi trường nền hoặc có thể thả nuôi các đối tượng thủy sản khác. Trước vụ nuôi phải cải tạo, diệt tạp ao nuôi thật kỹ theo đúng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật. Sử dụng các chế phẩm vi sinh ủ với cám gạo, mật rỉ đường và bột đậu nành tạt xuống ao nuôi để gây màu nước theo phương châm nuôi nước trước nuôi tôm để phát triển sinh vật phù du, ổn định môi trường nước.
Giữ ổn định các yếu tố nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng ôxy hòa tan, pH, độ kiềm,… trong ngưỡng thích hợp sẽ giúp tôm phát triển tốt, hạn chế stress, đề kháng tốt, ít cảm nhiễm bệnh. Tùy theo hình dạng ao và mật độ nuôi mà bố trí máy quạt nước và thời gian chạy quạt nước cho thích hợp đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu ôxy, đặc biệt vào các thời điểm tối, đêm, gần sáng và tạo dòng chảy tốt nhất trong ao nuôi. Cần tăng thời gian chạy quạt hoặc bố trí thêm hệ thống quạt nước cho tôm vào những ngày nắng nóng hoặc mưa kéo dài.
Nuôi thả tôm theo đúng lịch thời vụ cơ quan quản lý ban hành để thích ứng diễn biến bất lợi của thời tiết. Chọn giống chất lượng tốt, đạt kích cỡ, có nguồn gốc rõ ràng, tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định. Âm tính với các mầm bệnh nguy hiểm MBV, đầu vàng, hoại tử gan tụy,…
Sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng và quản lý tốt chế độ cho ăn, phù hợp từng giai đoạn phát triển của tôm trong suốt vụ nuôi. Phương pháp sử dụng sàng ăn được coi là hình thức hạ giá thành sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường ao nuôi do kiểm soát tốt lượng thức ăn.
Mật độ thả nuôi vừa phải, phù hợp chế độ chăm sóc, quản lý. Trong quá trình nuôi cần ghi chép nhật ký môi trường, hoạt động và khả năng sử dụng thức ăn hằng ngày của tôm nuôi, tình hình sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi, theo dõi những biến đổi bất thường để chủ động điều chỉnh kịp thời.
Những hình thức nuôi làm giảm phát thải hiệu ứng nhà kính, thích ứng BĐKH được áp dụng tại các địa phương thời gian qua là: nuôi tôm cua xen rừng ngập mặn, nuôi xen canh rong câu, nuôi kết hợp cá nước lợ, cua ghẹ, nuôi luân canh tôm – rong câu, nuôi tôm – lúa. Ngoài ra, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao như: quy trình nuôi khép kín, nuôi tôm trong nhà kín, nuôi tôm vi sinh, nuôi theo công nghệ Biofloc… cũng đã khẳng định được hiệu quả, giảm thiểu rủi ro do thời tiết bất thường gây nên.
>> Người nuôi tôm phải nâng cao ý thức trong công tác bảo vệ, kiên cố bờ bao, trang bị đủ máy móc để phản ứng kịp thời trước mọi tình huống, giảm thất thoát, bảo đảm vụ nuôi hiệu quả. Luôn chủ động phân, thuốc, hóa chất để nhanh chóng ổn định môi trường ao nuôi, góp phần làm giảm tác hại từ BĐKH. |