Đề án 52 được triển khai tại 7/9 huyện, thị xã và TP Huế với 56 xã, phường, thị trấn tham gia. Năm 2015, các đơn vị thuộc Đề án 52 ra quân tuyên truyền kết hợp cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Tuyên truyền hiệu quả
Để thực hiện thành công Đề án, Chi cục DS – KHHGĐ đã tăng cường hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi bền vững ở các đối tượng về dân số, chăm sóc SKBMTE, SKSS/KHHGĐ ở các địa phương thuộc Đề án. Nhiều mô hình, các sự kiện truyền thông và các hoạt động truyền thông tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, hộ gia đình, trên tàu thuyền và nơi tập kết của ngư dân được thực hiện hiệu quả.
Với phương châm truyền thông đi trước một bước, tỉnh thành lập 7 đội tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ tại các xã biển. Các đội tuyên truyền đã đến trực tiếp các điểm như cảng cá, chợ cá, nơi cập bến của cư dân khi đi đánh bắt trở về và tại gia đình của người dân với các hình thức phong phú như văn nghệ dân gian, tư vấn nhóm nhỏ, phát tờ rơi… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin về dân số và vận động đối tượng thực hiện KHHGĐ. Mỗi năm, các đơn vị thuộc Đề án triển khai 3 đợt tăng cường truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân thuận lợi, an toàn.
Cán bộ Chi cục Dân số tuyên truyền cho người dân – Ảnh: KT
Tư vấn trực tiếp từng hộ gia đình
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chi cục, các Trung tâm DS – KHHGĐ các huyện thuộc Đề án 52 tăng cường phối hợp với các ban ngành, đoàn thể liên quan thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền vận động về SKSS/KHHGĐ vào các hoạt động của các ban ngành, đoàn thể, phối hợp tổ chức sự kiện truyền thông nhóm lớn ngay từ đầu năm. Đồng thời, huy động các đội tuyên truyền Đề án 52 tại các huyện tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn vận động, tập trung vào các địa bàn khó khăn, các nhóm đối tượng đặc thù. Tại cấp xã, đội ngũ cán bộ cũng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, tổ chức các buổi diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm nhỏ, hoạt động văn nghệ quần chúng, sinh hoạt Câu lạc bộ “Nam nông dân không có người sinh con thứ 3 trở lên”, kết hợp tư vấn cộng đồng lồng ghép vào những ngày kỷ niệm của các ban, ngành. Đồng thời, lập danh sách tất cả những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chú trọng đến nhóm phụ nữ có 2 con trở lên, sinh con một bề và chưa sử dụng biện pháp tránh thai để tuyên truyền đúng đối tượng trong các đợt tăng cường. Bên cạnh đó, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình, nơi sinh hoạt và làm việc của ngư dân; ưu tiên tư vấn cho những cặp vợ chồng đông con, sinh con một bề gái. Cung cấp các tờ rơi, thông điệp tại các địa bàn như chợ cá, âu thuyền, cảng biển…
Năm 2015, chiến dịch được triển khai tại 45 xã trọng điểm, bên cạnh đó 56 xã vùng ven biển, đầm phá, vạn đò, cửa sông của tỉnh cũng đồng loạt triển khai hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ cho người dân. Kết quả thành công của chiến dịch là một trong những giải pháp quan trọng làm tiền đề cho việc giảm sinh và giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của tỉnh trong năm 2015 cũng như các năm tiếp theo.
Thời gian tới, để mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng chủ động và tự nguyện thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về dân số, các hoạt động truyền thông về DS – KHHGĐ tại vùng vạn đò, đầm phá, ven biển của tỉnh sẽ được triển khai đồng bộ, thường xuyên hơn nữa với các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục và tư vấn; xây dựng và triển khai các mô hình truyền thông, cung cấp dịch vụ đặc thù tại các vùng biển, đầm phá… phù hợp với đặc điểm tâm lý, điều kiện sống của từng nhóm đối tượng tại các địa bàn khác nhau.
>> Năm 2015, Đề án dự kiến thực hiện mức giảm sinh 0,2‰ trên toàn tỉnh, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,09 – 1,1%, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,5%, tỷ lệ sàng lọc trước sinh 20%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 20%, khống chế tỷ số giới tính khi sinh dưới 113,3/100 (khống chế tăng không quá 0,4 điểm so với năm 2014), số người mới thực hiện biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại 57.270, tăng tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng BPTT 0,5 – 1%. |