Nuôi tôm vụ đông đang ngày càng được đánh giá cao khi thể hiện nhiều ưu thế về giá bán, chi phí và dịch bệnh giảm… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Giá trị cao
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2014, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên – Huế có 2.262 ha ha diện tích nuôi tôm vụ đông, chiếm 5,8 % tổng diện tích thả nuôi của cả nước, trong đó tỉnh Thừa Thiên – Huế có diện tích lớn nhất (1.812 ha).
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Nuôi tôm vụ đông khó khăn, yêu cầu kỹ thuật, chi phí đầu tư cao (khoảng 500 triệu đồng/ha), thời gian nuôi dài hơn chính vụ khoảng 1,5 lần nhưng bù lại hiệu quả kinh tế gấp 1 – 2 lần nuôi chính vụ và thị trường tiêu thụ khá thuận lợi”.
Mô hình nuôi tôm vụ đông của ông Bùi Ngọc Liêm (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) là một ví dụ. Với diện tích khoảng 1 ha, mật độ nuôi 100 – 120 con/m2, năng suất trung bình đạt trên 10 tấn/ha, giá bán khoảng 250.000 đồng/kg, ông thu lãi gần 1,5 tỷ đồng/ha. Ông Liêm chia sẻ: “Nuôi tôm vụ đông cho năng suất và lợi nhuận cao. Ao nuôi khép kín lại có thể sử dụng cho vụ hè mà không cần mái che, do đó tiết kiệm được thời gian và chi phí cải tạo ao đầm”.
Ảnh: Huy Hùng
Chi phí cao
Cũng theo ông Tiêu: “Nuôi tôm vụ đông tuy mang lại hiệu quả cao nhưng cũng phải đối diện với nhiều khó khăn: Chi phí đầu tư cao, thời gian nuôi dài và việc quản lý môi trường gặp nhiều trở ngại hơn. Hiện nay, chi phí đầu tư vào khoảng 500 triệu đồng/ha.
“Kinh phí là trở ngại đầu tiên bởi đầu tư nuôi vụ đông cần chi phí lớn. Với diện tích 2.000 m2, phải mất gần 500 – 600 triệu đồng. Đồng thời, người nuôi cũng cần tính toán để kịp thời gối vụ giữa vụ đông và vụ chính. Ngoài ra, hiện nay chất lượng tôm giống không đảm bảo, khó đáp ứng cho nhu cầu nuôi thâm canh và bán thâm canh, bệnh trên tôm nuôi thương phẩm cũng thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất”, ông Bùi Ngọc Liêm chia sẻ.
Ông Ngô Xuân Đại (Diễn Châu, Nghệ An) cho hay: “Giá cả vật tư đầu vào như giống, thuốc, thức ăn… hiện vẫn ở mức cao, đây là trở ngại đối với bà con nuôi tôm chúng tôi. Do cơ sở hạ tầng không đồng bộ, hệ thống kênh cấp, thoát nước đã sử dụng lâu ngày chưa nạo vét nên khả năng cấp và thoát nước còn hạn chế dẫn đến môi trường ô nhiễm, việc kiểm soát nguồn bệnh theo đó cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, vốn đầu tư là vấn đề quan trọng nhất, bởi người nuôi hiện rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng dù mang cả sổ đỏ cầm cố”.
Phát triển có chọn lọc
Theo nhiều chuyên gia, nuôi tôm vụ 3 thường xuất hiện dịch bệnh, nếu không có biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tốt thì mầm bệnh sẽ lưu giữ trong môi trường nước cũng như trong môi trường đất làm ảnh hưởng đến vụ tiếp theo. Ngoài ra, nuôi tôm vụ 3 dẫn đến không có thời gian ngắt vụ/thời gian ngắt vụ ngắn khi bước vào nuôi vụ chính việc chuẩn bị ao nuôi, làm vệ sinh sẽ thiếu chu đáo và triệt để, máy móc, sức lao động, môi trường quá tải sẽ ảnh hưởng đến kết quả vụ chính.
Để nuôi tôm vụ 3 đạt hiệu quả và phát triển bền vững, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo cần căn cứ vào điều kiện thời tiết từng năm làm cơ sở để xây dựng kế hoạch nuôi cho phù hợp; chỉ nên áp dụng đối với cơ sở nuôi có đủ điều kiện, chủ yếu là các doanh nghiệp, hộ nuôi có khả năng đáp ứng điều kiện cần thiết như cơ sở hạ tầng đáp ứng với nuôi thâm canh, chủ động nguồn nước, có ao lắng, hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, tăng cường các giải pháp tăng nhiệt cho tôm nuôi (mái che, nuôi trong nhà…); mật độ thả nuôi vừa phải, phù hợp với điều kiện của cơ sở, không quá 80 con/m2; khuyến khích các cơ sở, doanh nghiệp, hộ nuôi tôm chọn mua giống tại các cơ sở sản xuất giống uy tín, chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm dịch để thả nuôi.
Ông Kim Văn Tiêu đề xuất: “Diện tích nuôi tôm vụ đông của các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên – Huế tiềm năng còn rất lớn. Để khai thác hiệu quả, cần khuyến khích địa phương tăng sử dụng diện tích, tăng vụ, tăng thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, quá trình nuôi, người nuôi cần nuôi đa cấp thông qua việc ươm trong nhà bạt 20 – 30 ngày, sau đó tiếp tục thả nuôi, sẽ giúp tôm khỏe, khắc phục được nhiệt độ thấp biến độ môi trường”.
Đồng thời, cần sử dụng bạt có kỹ thuật, điều chỉnh lượng ôxy vào nhà bạt phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho tôm, sử dụng chế phẩm sinh học để có nước sạch duy trì trong ao nuôi. Hiện nay, quy trình kỹ thuật nuôi tôm vụ đông chưa có, các tỉnh đang tự học hỏi kinh nghiệm nuôi thực tiễn từ các mô hình là chính, vì vậy, Bộ NN&PTNT cần xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi tôm vụ đông miền Bắc, nhân rộng, tuyên truyền mô hình này.
>> Để nuôi tôm vụ 3 đạt hiệu quả và phát triển bền vững, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo cần căn cứ vào điều kiện thời tiết từng năm làm cơ sở để xây dựng kế hoạch nuôi cho phù hợp; chỉ nên áp dụng đối với cơ sở nuôi có đủ điều kiện. |