Đó là quan điểm đa số đại biểu góp ý kiến cho dự thảo “Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, định hướng đến 2030”.
Ông Tạ Quang Ngọc – Nguyên Bộ trưởng bộ Thủy sản: Phải nâng cao năng lực quản lý
Hơn 15 năm qua, quy hoạch và tự phát đã đồng hành cùng nhau nhưng vẫn chưa giải quyết được. Nhà nước đang có nhiều bất cập trong xây dựng và quản lý quy hoạch. Trong Dự thảo Quy hoạch có nhắc đến tiềm năng mở rộng diện tích cho nghề nuôi tôm nước lợ, nhưng nếu điều chỉnh diện tích theo mục tiêu đặt ra, cần phải giải quyết triệt để các vấn đề về hạ tầng vùng nuôi và phải nâng cao năng lực quản lý.
Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: Tập trung giải pháp khoa học công nghệ
Thay vì sử dụng điều kiện tự nhiên vốn có nhiều rủi ro như hiện nay, chúng ta cần áp dụng khoa học – công nghệ, đưa tiến bộ khoa học – công nghệ vào để đẩy nhanh sản xuất. Hiện, nhu cầu tiêu thụ tôm của thế giới khoảng 6 – 6,6 triệu tấn/năm, trong khi lượng cung 4,8 triệu tấn. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho tôm Việt Nam. Chúng ta cần tăng tốc để tiến vào khu vực này bằng cách đẩy nhanh khoa học kỹ thuật, công nghệ chứ không phải chú trọng mở rộng diện tích.
Ông Nguyễn Hữu Ninh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I: Cần phát triển tôm giống sạch bệnh
TTCT và tôm sú được xác định là hai đối tượng tôm nuôi nước lợ chủ lực của nước ta. Hiện, nhu cầu giống tôm ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, nhất là TTCT. Tuy nhiên, chúng ta chưa chủ động được tôm bố mẹ TTCT đảm bảo chất lượng nên hoàn toàn phải nhập khẩu. Để đáp ứng nhu cầu nuôi, mỗi năm nước ta phải nhập khoảng 200.000 cặp tôm bố mẹ, giá 100 – 130 USD/cặp. Đối với tôm sú thì nguồn tôm bố mẹ phần lớn vẫn phụ thuộc đánh bắt tự nhiên. Do đó, cần có những giải pháp cụ thể về khoa học – công nghệ để gia hóa đàn tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống sạch bệnh, đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi.
Ông Lê Văn Sử – Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: Không nên quá chú trọng diện tích
Dự thảo Quy hoạch có ba cách tiếp cận; thứ nhất là đánh giá điều kiện tự nhiên – môi trường; thứ hai là đánh giá điều kiện kinh tế – xã hội; và thứ ba là đánh giá hiện trạng nghề nuôi tôm nước lợ ĐBSCL. Tôi đồng tình cách tiếp cận như vậy. Song tiếp cận đánh giá điều kiện kinh tế – xã hội, theo tôi chưa đủ sâu, nhất là những vấn đề liên quan chặt chẽ đến nuôi trồng thủy sản chưa được phân tích kỹ. Ví dụ như hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản. Theo đánh giá chung của Dự thảo, hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản chưa hoàn chỉnh. Đánh giá này đúng nhưng chưa đủ, cần làm rõ hơn vấn đề này. Ngoài ra, nghề nuôi tôm nước lợ ĐBSCL còn nhiều tiềm năng phát triển; chẳng hạn, có thể mở rộng diện tích đất canh tác từ việc chuyển đổi đất canh tác sang nuôi tôm trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, không nên quá chú trọng phát triển diện tích mà cần phát triển theo chiều sâu. Vấn đề này trong Dự thảo cũng chưa thấy đề cập, cần được quan tâm hơn.
Ông Trần Đình Luân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng: Xem lại việc tăng diện tích
Cần bổ sung số liệu đánh giá về con giống, tình trạng ô nhiễm môi trường, hiện trạng thủy lợi ĐBSCL mới và cụ thể hơn. Đồng thời, đây là quy hoạch nuôi tôm nước lợ nhưng trong Dự thảo lại nhắc đến chế biến; do đó nên xem xét lại, có cần thực hiện đánh giá từ nuôi đến chế biến hay không. Nếu cần thì phải đánh giá lại xem các tỉnh thừa, thiếu nhà máy chế biến thế nào. Chẳng hạn, Cà Mau đang thừa nhà máy chế biến, trong khi Sóc Trăng không có nhà máy nào. Chúng ta cũng cần nhìn lại để có thể tối ưu hóa chi phí, giảm thiểu rủi ro.
Ngoài ra, trong định hướng mục tiêu, nhìn số liệu ở đây có thể tính sơ qua đã thấy diện tích nuôi tôm nước lợ các tỉnh ĐBSCL năm 2014 khoảng 618.000 ha. Tuy nhiên, đến năm 2020 lại thành 608.000 ha, mà lại không chỉ rõ giảm ở đâu, bằng cách nào. Thời gian qua chúng ta đã rất vất vả trong quản lý và chỉ đạo nuôi tôm tự phát ngoài quy hoạch, nhưng hiệu quả chưa cao. Vậy chúng ta cần phân tích tác động của nó đối với sản xuất tôm hiện nay. Mặt khác, định hướng đến năm 2020 diện tích giảm nhưng đến năm 2030 lại tăng. Như tôi biết, chủ trương chung là không tăng diện tích, nhưng ở đây lại tăng, vậy cũng cần phải tính toán xem có thể tăng được nữa hay không và tăng bằng cách nào.
Ông Lê Đình Thanh Nhã – Giám đốc Kinh doanh và Đào tạo, Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh Vật Thăng Long: Nên kéo ngân hàng vào cuộc
Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long đang triển khai biện pháp phân phối thức ăn trực tiếp đến người dân mà không qua các kênh phân phối, nhằm giảm tối ưu chi phí cho người dân. Chúng tôi đồng tình và vui mừng với việc xây dựng Quy hoạch cho nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, để Quy hoạch được thực hiện, cần kéo được một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết vào cuộc, đó là các ngân hàng.
Ông Dương Hùng – Giám đốc DNTN tôm giống Dương Hùng: Phải quản lý các cơ sở sản xuất giống
Nuôi tôm gặp khó khăn ngày càng nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp muốn thành công buộc phải nâng cao chất lượng; người dân phải tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, chung sức chung lòng vượt khó.
Tôm giống là ngành phức tạp nhất, bởi đầu tư trong xã hội không đồng đều. Theo đó, cần phải đưa sản xuất giống thành ngành kinh doanh có điều kiện, tuân thủ các quy định của nhà nước. Tăng cường kiểm tra lại tất cả các công ty/cơ sở sản xuất giống, đủ điều kiện mới cho phép sản xuất, không đủ điều kiện thì buộc phải đóng cửa, nhằm đảm bảo tôm giống cung cấp ra thị trường có chất lượng cao.
Ông Võ Hồng Ngoãn – Nông dân nuôi tôm ở Bạc Liêu: Cần khắc phục từ gốc tôm nhiễm kháng sinh, tạp chất
Vấn đề tôm xuất khẩu nhiễm kháng sinh, tạp chất, không đáp ứng được yêu cầu chất lượng, bị các nước nhập khẩu khó tính trả về tái diễn nhiều năm nay, nhưng tại sao chưa khắc phục được. Trong Dự thảo Quy hoạch cũng chưa thấy bàn tới. Theo tôi, cái này phải quy trách nhiệm cho thương lái và người dân. Tuy nhiên, thương lái và người dân chỉ là phần ngọn, phần gốc vấn đề ở chỗ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp chế biến tuyệt đối không mua tôm kém chất lượng thì làm sao thương lái và người dân dám làm?! Do đó, cần phải khắc phục từ gốc. Tôi tin con tôm Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện cạnh tranh trên thị trường thế giới nếu giải quyết triệt để vấn đề này. Mong các cơ quan quản lý xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm, để giữ hình ảnh cho tôm Việt Nam.