Phong trào nuôi cá lồng bè tự phát trên sông Tam Kỳ không chỉ cản trở giao thông đường thủy nội địa mà còn báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Các lồng bè nuôi cá nước ngọt phát triển tự phát ở sông Tam Kỳ rầm rộ từ hơn 4 năm trở lại đây, kéo dài gần một cây số qua địa bàn phường An Sơn (TP. Tam Kỳ) và xã Tam Xuân 1 (Núi Thành). Thời điểm này là vụ nuôi chính trong năm. Từ một dòng sông trong xanh, giờ đây sông Tam Kỳ đang đối mặt với tình trạng nhiễm bẩn nguồn nước. Các chủ nuôi cá ngoài sử dụng bột thức ăn công nghiệp còn dùng cả nội tạng động vật, phân heo, bò làm thức ăn cho cá, khiến môi trường nước và không khí bị ô nhiễm.
Dọc bờ sông Tam Kỳ, từ quán cà phê Vườn Mận đến sát chân cầu Tam Kỳ (thuộc khối phố 7, phường An Sơn), theo quan sát có cả trăm lồng bè nuôi cá diêu hồng, rô phi và cá trê lai. Lồng nuôi loại cá diêu hồng và rô phi người ta dùng thức ăn công nghiệp, còn ở lồng bè nuôi cá trê một số chủ đem nội tạng động vật làm thức ăn cho cá. Lúc 9 giờ ngày 5.6, phóng viên ghi nhận tại khu vực lồng nuôi cá trê lai tại sông Tam Kỳ, một số người đã cắt nhỏ lòng heo, bò cho cá ăn, nổi trôi trên mặt nước, gặp trời nắng nóng bốc mùi hôi nồng nặc. Theo người dân khối phố 7 (phường An Sơn), tình trạng nuôi cá lồng bè tự phát trên sông diễn ra từ 4 năm nay, đa số là người dân các phường, xã lân cận đến nuôi. Trước đây, nguồn nước sông trong xanh, sạch sẽ, còn bây giờ nước hôi tanh, ô nhiễm bởi xác cá chết, thức ăn và phân cá thải trực tiếp ra môi trường. Một số hộ dân sống gần khu vực nuôi cá buộc phải đóng cửa khi có gió to thổi vào nhà mang theo mùi tanh. Chính quyền địa phương đã nhiều lần xuống kiểm tra, nhắc nhở nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Lồng bè nuôi cá nằm sát nhau ở sông Tam Kỳ đoạn phường An Sơn – Ảnh: Tr. Nguyễn
Ông Đoàn Văn Ngọc – Phó Chủ tịch UBND phường An Sơn cho biết, trên địa bàn có 5 hộ nuôi cá lồng bè, trong đó chỉ có một trường hợp là người địa phương (mỗi hộ nuôi khoảng 20 lồng). Hầu hết người dân nuôi tự phát chứ không được cấp phép, còn tình trạng ô nhiễm, chính quyền đã tổ chức kiểm tra. Nói chung có ô nhiễm bởi thức ăn và chất thải của cá, nhưng ở giới hạn cho phép. UBND phường đã mời các hộ lên làm việc và cam đoan theo chủ trương của TP.Tam Kỳ nuôi thả đến cuối năm 2015 sẽ chấm dứt, tháo dỡ. Còn theo ông Phạm Cưu – Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, trên sông Tam Kỳ có khoảng 16 hộ nuôi cá với 165 lồng, phần lớn nuôi cá diêu hồng, cá trê lai, tập trung địa bàn phường An Sơn. Trong khi đó, đoạn qua xã Tam Phú có khoảng vài chục lồng nuôi cá chẻm. Do ngư dân thấy có lợi nhuận nên ào ạt nuôi, chứ TP.Tam Kỳ không cấp phép cũng như không có quy hoạch vùng nuôi. Các ngành chuyên môn của thành phố đã đến kiểm tra nhưng chưa thấy ô nhiễm. Chủ trương của UBND.TP Tam Kỳ chỉ cho phép các chủ lồng này nuôi đến hết năm 2015.
Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp hình ảnh và video về chủ lồng dùng nội tạng gia súc cho cá ăn gây ô nhiễm nặng nguồn nước, ông Cưu tỏ ra bất ngờ và hứa sẽ cho cán bộ đi kiểm tra.
Những năm gần đây, nuôi cá bằng lồng bè ở sông Tam Kỳ, Trường Giang đã giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, góp phần tăng sản lượng thủy sản. Tuy nhiên, vì nuôi tự phát không theo quy hoạch nên để lại không ít hệ lụy ô nhiễm môi trường do mất cân bằng sinh thái, tác động của con người vào dòng chảy tự nhiên cũng như lượng hóa chất, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi thải ra dòng sông.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng TP.Tam Kỳ cần cương quyết xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm từ các lồng bè nuôi cá, hoặc nếu cần thiết thì sớm quy hoạch vùng nuôi đảm bảo môi trường.