Đó là chủ đề chính tại Hội nghị phát triển nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội với sự chủ trì và tham dự của Bộ trưởng Cao Đức Phát; cùng sự tham dự của đại diện các cục, vụ, viện và một số doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2006 – 2014, “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020” đã và đang triển khai 214 nhiệm vụ khoa học công nghệ với tổng kinh phí được cấp là 551,447 tỷ đồng; Trong đó, 130 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu ứng dụng vào sản xuất, về lĩnh vực nông nghiệp là 83 nhiệm vụ; lĩnh vực thủy sản 47 nhiệm vụ. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, 130 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã nghiệm thu, trong đó, một số nhiệm vụ đã được tiếp tục đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm ứng dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, chủ yếu mới tập trung vào các giống lúa mới, các chế phẩm vi sinh vật, các cây giống nuôi cấy mô và một vài sản phẩm khác.Để công tác nghiên cứu hiệu quả hơn, trong giai đoạn 2015 – 2020 cần lựa chọn các nhiệm vụ có kế thừa các sản phẩm nghiên cứu trước để hoàn thiện quy trình, xây dựng mô hình ứng dụng phục vụ mở rộng quy mô áp dụng sản phẩm vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, tạo cơ chế để khuyến khích nhập một số công nghệ mới, hiệu quả để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại Việt Nam.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Việt-Úc chia sẻ, là một trong những đơn vị hàng đầu trong sản xuất tôm giống, những năm qua, Tập đoàn đã không ngừng đổi mới, phát triển, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào sản xuất để tạo con giống chất lượng nhất. Cùng với đó, con tôm có đóng góp giá trị to lớn trong ngành thủy sản; nên Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu đầu tư cho những đơn vị tiên phong nghiên cứu đầu tư công nghệ và là vấn đề cấp bách hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định cái quan trọng nhất là nhân lực. Chương trình đã lựa chọn đúng khi bắt đầu bằng đầu tư vào nhân lực. Đào tạo nhân lực không chỉ cho các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT mà cho nước Việt Nam. Đồng thời, cải cách cơ chế tài chính cho khoa học; giao nhiệm vụ cho các trung tâm nghiên cứu; và cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia vào việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản.