Trước tình trạng những dòng kênh được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để cải tạo, chỉnh trang lại đứng trước nguy cơ tái ô nhiễm cũng như việc phát sinh ô nhiễm ở những dòng kênh khác trên địa bàn… ngoài việc tiếp tục đầu tư, cải thiện môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra những chế tài nhằm hạn chế tình trạng tái ô nhiễm kênh rạch.
Ném cả ghế sofa xuống kênh
Một công nhân vớt rác của Công ty Môi trường đô thị cho biết: “Hàng ngày chúng tôi phải “ngụp lặn” trong dòng nước ô nhiễm để vớt hàng chục tấn rác trên dòng kênh, người dân đều thấy, nhưng không hiểu sao vẫn có rất nhiều người vô ý thức đến mức xem dòng kênh là nơi đổ rác. Họ có thể ném bất cứ thứ gì xuống dòng kênh mà không một chút suy nghĩ. Đội vệ sinh đã từng vớt vô số những loại rác mà chúng tôi khó có thể tin rằng họ có thể ném xuống kênh, ví dụ như ghế sofa cũ, nệm giường… Chưa kể, khi chính quyền cố gắng đầu tư mọi thứ để cải thiện môi trường nước, thả cá… thì người dân lại vô tư tập trung dọc dòng kênh để câu cá mang về nhà. Trong những lần đi câu kèm theo ăn uống, nhậu nhẹt… tất cả rác, từ chai lọ, túi nilon… cũng được họ vô tư ném xuống dòng kênh nên tình trạng tái ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng”.
Không chỉ riêng những tuyến kênh đã được nâng cấp cải tạo, nhiều tuyến kênh trên địa bàn thành phố cũng đang đứng trước thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Lãnh đạo xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh cho biết, hầu như toàn bộ hơn 35 tuyến sông, rạch trên địa bàn huyện Bình Chánh đều bị ô nhiễm nặng nề do lượng nước thải từ các dòng kênh, rạch ở các địa bàn khác đổ về, cũng như hệ thống nước thải sinh hoạt của người dân đổ ra. Nghiêm trọng nhất là lượng nước thải bị dồn ép do thủy triều. Khi triều cường, nước thải từ kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ, kênh Tân Hóa – Lò Gốm dồn về Chợ Đệm, kênh Xáng Ngang… Thủy triều xuống thì nước thải từ vực huyện Củ Chi thông qua kênh Thầy Cai – An Hạ và Vĩnh Lộc đổ về kênh B, kênh C… lượng nước thải đổ về từ các dòng kênh này luôn đen kịt và mùi hôi nồng nặc…
Rác ngập ngụa trên rạch Bàu Trâu.
Ngay cả những tuyến kênh rạch nhỏ khu vực nội thành, tình trạng ô nhiễm cũng hết sức nghiêm trọng. Nhiều con rạch trong số đó đã không còn khả năng lưu thoát nước do bị lấp đầy rác như khu vực rạch Phan Văn Hân – Bình Thạnh. Nhiều hộ dân sống tạm bợ bên các dòng kênh là nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm, do một lượng lớn rác thải sinh hoạt được thải xuống các dòng kênh này. Một trong những con rạch đang tái ô nhiễm nghiêm trọng là rạch Bàu Trâu, nằm giáp ranh giữa quận Tân Phú và quận 6. Đây là một con rạch từng bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải, sau nhiều năm nỗ lực cải tạo, đến đầu năm 2014 đã thông thoáng trở lại, môi trường sống của hàng nghìn hộ dân dọc tuyến rạch này được cải thiện. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây, tình trạng tái ô nhiễm trên tuyến rạch Bàu Trâu lại tiếp tục trở nên nghiêm trọng do hàng tấn rác của nhiều hộ dân đổ xuống, khiến dòng kênh tắc nghẽn, mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Tăng cường chế tài
Về tình trạng ô nhiễm do dân cư sống ven kênh rạch, thống kê mới nhất của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố còn hơn 17.000 căn nhà lụp xụp nằm trên và ven hành lang các tuyến kênh rạch cần phải di dời. So với thời điểm khảo sát trước đây, số lượng ngôi nhà “ổ chuột” phát sinh thêm 7.000 căn, thậm chí tổng số thực tế còn có thể cao hơn 17.000 căn, vì số liệu khảo sát này không bao gồm 67 tuyến kênh chưa có số liệu khảo sát và chưa cắm mốc hành lang an toàn. Và để cải thiện môi trường kênh rạch cũng như tiến hành giải tỏa, di dời các hộ dân này, trong vòng 5 năm tới, thành phố cũng chỉ có thể tập trung di dời khoảng 11.600 hộ sống dọc các tuyến kênh rạch đang có dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, nạo vét, thoát nước như Tham Lương – Bến Cát, Rạch Nhảy – Ruột Ngựa, Bàu Trâu… với tổng số vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng.
Để hạn chế tái ô nhiễm, nhiều chuyên gia vẫn thống nhất quan điểm cần “phạt nặng” đối với hành vi gây ô nhiễm và có biện pháp giám sát các hành vi gây ô nhiễm. TS Phạm Thị Anh, Trường Đại học Văn Lang TP Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần phải có hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi xả nước thải ô nhiễm và bỏ rác xuống kênh rạch, bỏ rác không đúng nơi quy định cũng như có hệ thống camera theo dõi, lực lượng tuần tra, giám sát các vi phạm… Ngoài phạt tiền cần phải phạt lao động công ích để tăng nhận thức cho người vi phạm…
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố sẽ mạnh tay xử phạt câu cá trên kênh rạch nội thành. Hiện nay, Sở GTVT đang triển khai cắm các biển cấm dọc theo các kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè và Tàu Hũ – Bến Nghé để làm cơ sở cho việc xử phạt vi phạm hành chính. Người câu cá dừng đỗ xe lấn chiếm lòng lề đường có thể sẽ bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng. Lực lượng trật tự đô thị các phường được giao trách nhiệm phối hợp công an tiến hành kiểm tra, xử phạt. Thành phố sẽ áp dụng Nghị định số 171 năm 2013 của Chính phủ để phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng đối với hành vi đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động gây cản trở giao thông; phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện hoặc đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản không đúng theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa; phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với hành vi đặt dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trên luồng…
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố soạn thảo, tham mưu cho UBND thành phố nhằm sớm ban hành văn bản xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, hành vi câu cá, đánh bắt cá tại các tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm. Thành phố cũng yêu cầu Công ty TNHH Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh tăng cường vớt rác trên kênh trước và sau cơn mưa, không để rác ngăn dòng chảy, hạn chế gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ môi trường nước kênh, tăng cường bơm xử lý nước thải sau những cơn mưa lớn đầu mùa để giảm hàm lượng các chất độc hại có trong nước kênh.