Tháng 5 – 6 dương lịch hằng năm, trước khi rong biển già rồi tự chết, nhiều ngư dân ở huyện Núi Thành lại đổ ra biển để lặn hái rong mơ. Nghề này hiện đang mang lại thu nhập khá cao cho người dân miền biển.
Thời gian này, ở các vùng biển Bàn Than (xã Tam Hải) và Bãi Rạng (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) có khoảng 80 chiếc thuyền nhỏ chia nhau hành nghề vớt rong biển. Những chiếc thuyền đánh cá gần bờ suốt 2 tháng nay được dùng để vớt rong biển mang lên bờ bán cho các thương lái
Vùng biển rong mơ phát triển thường cách bờ khoảng 2 hải lý. 80 chiếc thuyền hành nghề ở đây mỗi ngày có thể vớt được hàng chục tấn rong, kiếm cả trăm triệu đồng
Theo các ngư dân, mỗi năm có khoảng 2 tháng để thu hoạch, dịp này các rặng rong mơ phát triển dày đặc dưới đáy biển. Đến cuối tháng 6 dương lịch hằng năm rong mơ bắt đầu già, khi gặp biển động thì tự tàn
Độ sâu khoảng 3m trở lên nên đế hái được rong mơ, ngư dân phải lặn xuống đáy biển nhổ từng cụm rễ rồi thả cho rong tự nổi lên mặt nước
Chính vì vậy, mỗi thuyền hành nghề hái rong biển phải có 2 lao động, thường là thành viên trong gia đình. Một người lặn xuống biển hái, người chèo thuyền thúng bơi theo sau để vớt lên trước khi rong bị trôi xa theo dòng nước
Ngư dân Trần Minh Việt (60 tuổi, xã Tam Hải), trước đây hành nghề đánh cá gần bờ. Khoảng 1 tháng nay ông cùng con trai Trần Minh Trang (32 tuổi) chỉ ra biển để hái rong mơ làm thu nhập chính. Lao động từ 7h sáng đến 12h trưa, ngày nhiều nhất cha con ông vớt được khoảng 3 tạ rong, trừ chi phí xăng dầu kiếm được hơn 2 triệu đồng
“Đầu mùa, rong mơ còn non nên thương lái trả đến 800.000/1 tạ. Vài ngày nay, họ chê rong bị già nên hạ xuống còn 500.000 đồng mỗi tạ, mỗi ngày làm việc chỉ kiếm được hơn 1 triệu. So với đi đánh cá thu nhập bấp bênh thì 2 tháng làm nghề này ổn định và khỏe hơn nhiều”, ông Việt nói
Sau khi chất đầy ghe, ngư dân lại hối hả chạy vào bờ để tranh thủ trưa nắng phơi khô rong mơ rồi chờ thương lái đến mua
Theo người dân địa phương, trước đây thi thoảng họ đi hái rong mơ về nấu nước uống. Khoảng vài năm trở lại đây, các thương lái đến thu mua với giá cao nên người dân mới đổ xô ra biển để hái
Sau khi phơi khô, các thương lái đến tận bãi biển để thu mua. “Họ nói là mua để bán sang Trung Quốc làm thức ăn cho hải sâm và làm nước uống”, một số ngư dân cho hay.
Những phụ nữ không có thuyền đi biển cũng kiếm được thu nhập nhờ việc làm sạch rong mơ. Các thương lái sau khi thu mua sẽ thuê những phụ nữ địa phương với tiền công 120.000 đồng mỗi ngày để phân loại và rũ bỏ đất bám vào rong rồi đóng gói.