Triển khai Đề án 52 tại huyện Diễn Châu gặp không ít khó khăn, do nhiều nguyên nhân. Cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện, là tiền đề quan trọng để duy trì hoạt động.
Thiếu ổn định
Đề án 52 thực hiện tại 9 xã của huyện Diễn Châu. Bà Trần Thị Lương, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện cho biết: Diễn Vạn là 1 trong 9 xã vùng biển của huyện, tỷ lệ giáo dân chiếm 30% tổng số dân, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm khoảng 30%. Tỷ lệ phụ nữ trong tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt thấp, tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh sản cao. Các đối tượng chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung; các vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên chưa được giải quyết tốt… Hậu cần phương tiện tránh thai (vòng, thuốc uống, bao cao su tránh thai) giảm mạnh, không đủ so với nhu cầu. Chất lượng dân số vùng biển đã được nâng lên nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai, trẻ em bị suy dinh dưỡng, số trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh còn cao.
Tại các xã Diễn Thành, Diễn Kim, Diễn Hải…, nhìn chung nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng vùng biển còn cao, đặc biệt là sinh con trai do đặc thù nghề biển đòi hỏi phải lao động là nam giới. Trong khi đó, cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ ở các xã còn yếu và thiếu, một số trạm y tế xã chưa có bác sỹ, chưa có các thiết bị y tế tối thiểu như: máy xét nghiệm sinh hóa, kính hiển vi… Đội ngũ cộng tác viên, chuyên trách vùng biển được giao thêm việc nhưng không thêm thù lao, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.
Chất lượng dân số vùng biển Nghệ An đã được nâng lên – Ảnh: Sao Mai
Tuyên truyền đổi mới
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dân số huyện đã kết hợp tuyên truyền với các địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau, với nội dung thích hợp từng vùng miền, khu vực, đặc thù từng xã (như phổ biến bản tin trên đài phát thanh huyện, phát tờ rơi, treo pa nô, áp phích…) với nội dung thông tin về Đề án, cách tiếp cận hiệu quả. Một số xã tích cực sử dụng kinh phí hiệu quả cho việc tuyên truyền, như xã Diễn Vạn đã trích kinh phí 50 triệu đồng từ ngân sách xã để đẩy mạnh hoạt động truyền thông tư vấn gắn với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Xã cũng đưa mục tiêu nâng cao chất lượng dân số vùng biển vào Nghị quyết xã, mỗi xóm đều đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước của xóm để thực hiện, làm tiêu chí bình xét thi đua hằng năm. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông vận động (như tổ chức các lớp tư vấn cộng đồng về SKSS/KHHGĐ cho đối tượng vị thành niên, thanh niên và các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn, các bà mẹ mang thai và sinh con…).
Khắc phục khó khăn
Để giải quyết những khó khăn kể trên, từ nay đến cuối năm, xã Diễn Vạn đã lồng ghép mục tiêu dân số trong các hoạt động chung của địa phương và hỗ trợ kinh phí hoạt động. Đặc biệt, để thay đổi nhận thức người dân, nhiều cách làm khác nhau cũng được chính quyền xã áp dụng. Đối tượng nam giới đã được chính quyền địa phương hướng tới nhiều hơn, đưa nam giới trong tuổi sinh đẻ vào cuộc, gắn trách nhiệm của đối tượng trong thực hiện mục tiêu đề ra.
Chính quyền địa phương mong muốn, thời gian tới, Ngành tiếp tục cùng chính quyền các xã ven biển cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; tổ chức khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sau sinh, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời dị tật bẩm sinh thời kỳ bào thai và sơ sinh; nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng. Từ nay đến cuối năm, Trung tâm tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông vận động, như tổ chức các lớp tư vấn cộng đồng về SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên và các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn, các bà mẹ mang thai và sinh con tại 9 xã vùng biển. Tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép, cung cấp dịch vụ KHHGĐ các đợt mới.
>> Sáu tháng đầu năm, Ban chỉ đạo DS – KHHGĐ các xã đã cùng Trung tâm Dân số huyện tổ chức nhiều buổi tư vấn cộng đồng, trao đổi chuyên đề cho lãnh đạo cấp ủy xã, xóm, nam nữ trong tuổi sinh đẻ, về chính sách dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. |