Cà Mau xứng danh đầu tàu thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh Cà Mau, thủy sản được coi là lĩnh vực mũi nhọn. Mấy năm trả lại đây, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh luôn đạt con số trên 1 tỷ USD. Thủy sản giúp Cà Mau giảm tỷ lệ nghèo nhưng cũng là ngành phát triển khá nóng thời gian qua.

Kết thúc năm 2014, sản lượng xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh Cà Mau đạt 132.622 tấn, tăng 16% so kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu 1,314 tỷ USD, vượt 17% kế hoạch. Thành công này của Cà Mau được lý giải ở việc tỉnh công nghiệp hóa khá thành công ngành tôm. Diện tích nuôi tôm 267.642 ha; trong đó tôm công nghiệp 8.151 ha (tăng 2.167 ha so năm 2013), nuôi tôm quảng canh cái tiến 61.000 ha.

 

Thế mạnh

Thế mạnh của Cà Mau là điều kiện tự nhiên phong phú, ưu đãi ngành thủy sản. Những cánh rừng nguyên sinh ngập mặn với khoảng 200.000 ha đầu thế kỷ, nay chỉ còn khoảng 64.000 ha, nhưng Cà Mau vẫn là cái nôi nuôi dưỡng tôm, cá.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy trong môi trường tự nhiên Cà Mau 22 loài tôm thuộc 15 giống và 9 họ tôm. Trong đó, họ tôm he (Penaeidae) có 9 loài và 40,9% là nguồn giống tự nhiên quan trọng cho nghề nuôi tôm nước lợ như tôm sú (Penaeus monodon), tôm thẻ (P. indicus v P. merguiensis), tôm bạc (Metapenaeus lysianassa), tôm đất (M.ensis). Tôm gai nước ngọt có 6 loài, chiếm 27,27%. Ngoài ra, còn nhiều loại như tép gạo (Atydae), tôm tích (squillidae)… Tôm he giống thường vào tận kênh rạch. Về thăm Cà Mau, chúng tôi cũng thấy nơi đây có thế mạnh thủy sản nước lợ với 38 loài có nguồn gốc từ biển, 31 loài cá nước lợ. Khảo sát phía Tây Ngọc Hiển cho thấy có 11 bộ cá với 14 họ và 27 loài. Khai thác thủy sản cũng nhiều thuận lợi do biển Cà Mau dồi dào nguồn lợi.

Nuôi tôm là thế mạnh thủy sản của Cà Mau – Ảnh: Diệu Lữ

 

Mặt trái

Rừng ngập mặn tại Cà Mau đang bị chia cắt do quá trình gia tăng dân số, khai thác đất đai để nuôi trồng thủy sản (NTTS). Diện tích nuôi tôm ngày càng lớn và gây ô nhiễm. Sự cân bằng sinh thái đang bị đe dọa. Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau cho biết, nhiều cửa biển đã có độ ô nhiễm tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 5, so với lần khảo sát cuối năm 2014. Riêng tại thị trấn Sông Ðốc đã có hơn 110 xí nghiệp chế biến thủy hải sản, gần 1.700 cơ sở kinh doanh, dịch vụ và hơn 33.000 người dân. Đầu năm nay, sản lượng NTTS ở sông Đốc đã giảm gần 500 tấn so cùng kỳ năm 2014 do dịch bệnh; diện tích tôm – lúa cũng ô nhiễm nên hiệu quả thấp so với trước.

Qua thanh tra, kiểm tra, thấy nhiều doanh nghiệp chưa tuân thủ quy trình bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, các công ty chế biến đầu, vỏ tôm, đã thải vượt tiêu chuẩn BOD (lượng ôxy cần thiết để vi sinh vật ôxy hóa chất hữu cơ) 5,85 lần, COD vượt 6,16 lần và Coliform (loại vi khuẩn có khả năng lên men đường lactose) vượt 3.200.000 lần. Có công ty công suất 1.500 tấn/năm nhưng không có hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng xuống kênh xáng. Phân tích mẫu nước thải, thấy 5/9 chỉ tiêu vượt chuẩn cho phép, nhất là Coliform vượt 36.000 lần. Thậm chí một công ty thủy sản loại  lớn nhất tỉnh cũng bị phạt 20 triệu đồng vì xả nước thải xuống Gành Hào.

 

Tìm giải pháp

Theo mách nước của nhiều chuyên gia, Cà Mau không nên đi theo hướng công nghiệp hóa cứng nhắc, chạy theo thành tích, mà nên dựa vào điều kiện tự nhiên để xây dựng ngành thủy sản bền vững.

Sở NN&PTNT Cà Mau đã đặt mục tiêu giữ ổn định ở 290.000 ha tôm như hiện nay. Nhân rộng những mô hình nuôi trồng quảng canh cải tiến, nuôi tôm kết hợp trồng lúa. Tỉnh cũng xác định chỉ nuôi tôm công nghiệp quy mô vừa và nhỏ; đồng thời khuyến cáo không nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) và nuôi công nghiệp quy mô lớn. Giữ diện tích, khống chế sản lượng cũng là giữ giá tôm, không rơi vào tình trạng cung vượt cầu và đua nhau giảm giá như từng diễn ra với cá tra. Giữ vững diện tích còn tránh cho Cà Mau rơi vào phát triển quá nóng, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên; song đây là việc không dễ, vì người dân thường đua nhau mở rộng diện tích, đôi khi vượt quá sự kiểm soát của chính họ.

Cà Mau cũng đang tập trung phát triển đánh bắt xa bờ, hạn chế tối đa đánh bắt gần bờ; nghiêm cấm khai thác cạn kiệt tài nguyên biển vùng gần bờ. Năm 2015 cũng là năm đầu kế hoạch 5 năm (2015 – 2020) phát triển kinh tế – xã hội Cà Mau; địa phương luôn chú trọng phát triển lĩnh vực thủy sản theo hướng bền vững, hiệu quả.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, trong định hướng phát triển NTTS, ngoài chú trọng nuôi tôm, cua, sò huyết, cá, Cà Mau sẽ từng bước phát triển nuôi trồng ven biển và trên biển, ưu tiên các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Từng bước củng cố và đưa vào sản xuất có hiệu quả nghề nuôi nghêu ở bãi Khai Long, mở rộng quy mô nghề nuôi cá lồng bè trên Hòn Chuối, nuôi hàu lồng trên sông và ven biển.

>> Năm 2015, Sở NN&PTNT Cà Mau phấn đấu đạt sản lượng thủy sản trên 560.000 tấn, tăng 80.000 tấn so năm 2014; sản lượng nuôi trồng 300.000 tấn; khai thác 260.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 100 triệu USD so năm 2014.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!