Bà Rịa – Vũng Tàu: Ô nhiễm, cá chết hàng loạt

Chưa có đánh giá về bài viết

Chỉ sau một đêm (6/9), hàng trăm bè cá ở xã Long Sơn, TP Vũng Tàu đột nhiên chết hàng loạt do ô nhiễm. Nhiều hộ dân lâm vào cảnh cùng đường khi tiền vay mượn hàng trăm triệu đồng đều đã đổ xuống bè nuôi cá.

Ô nhiễm tại Chà Và

Theo bản quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu nuôi trồng thủy sản lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định 167/QĐ-UBND ngày 26/1/2015 thì khu nuôi lồng bè và nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên sông Chà Và có 8 tiểu khu nuôi, với tổng diện tích 511.610 m2, được bố trí tương ứng 5.037 lồng nuôi trồng thủy sản gồm cá biển, tôm hùm và hàu. Tuy nhiên, việc sản xuất, nuôi trồng của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn khi chất lượng nước luôn bị sự cố do ô nhiễm từ xả thải của 22 nhà máy chế biến trên thượng nguồn, và Chà Và được người dân nơi đây gọi là “dòng sông VeDan” thứ hai của miền Đông Nam bộ.

           

Giọt nước tràn ly

Đỉnh điểm của việc ô nhiễm kéo dài trên sông Chà Và có lẽ là sự vụ diễn ra ngày 6/9/2015, với hơn 15 hộ vùng nuôi 1 và 2 trong khu quy hoạch bị thiệt hại nặng nề. Theo báo cáo 216/BC-NTTS 7/9/2015 của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản và Báo cáo 292/BC-SNN của Sở NN&PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, số lượng cá chết khoảng 30.000 con cá bớp, cá chim; trong số hộ bị thiệt hại nặng nhất có hộ Dương Văn Hùng, với 100% trên tổng số 44 lồng nuôi của mình gồm 20.000 con cá chim trắng loại nhỏ khoảng 0,3 – 0,5 kg/con; 3.000 con cá bớp, trong đó có khoảng 1.000 con cá bớp trọng lượng lớn gần thu hoạch, size 5 – 6 kg/con, còn lại là loại nhỏ mới thả nuôi 3 – 4 tháng, size  0,1 – 0,3 kg/con.  Tổng thiệt hại ban đầu tại thời điểm ngày 6/9 khoảng 10 tỷ đồng.

Cá chết hàng loạt gây thiệt hại lớn cho người nuôi – Ảnh: Lê Ngân

Điều đáng nói nữa, lần này phản ứng của người dân diễn ra cực kỳ gay gắt khi trưa cùng ngày một số người dân bị thiệt hại đã thuê xe chở cá chết đến rải trước cổng các nhà máy chế biến thủy sản tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành, nhằm gây áp lực buộc các nhà máy phải lên tiếng chịu trách nhiệm và đền bù thiệt hại cho dân. Tuy nhiên, trước sự im lặng của các cơ sở chế biến thủy sản tại Tân Hải, trưa hôm sau (ngày 7/9), các hộ dân đã chở cá chết đến trước trụ sở UBND tỉnh để khiếu nại lên chính quyền tỉnh và kết quả là chính quyền địa phương đã chính thức bắt tay vào giải quyết sự việc.

 

Chính quyền địa phương vào cuộc

Trước sự việc liên quan cá chết trên sông Chà Và và phản ứng gay gắt của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình đã triệu tập cuộc họp khẩn ngay trưa 7/9, thành phần gồm Phó Chủ tịch UBNB tỉnh Nguyễn Thanh Tịnh cùng lãnh đạo các sở ban ngành (gồm Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường) để tiến hành buổi làm việc, tiếp xúc các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và tại văn phòng tiếp dân UBND tỉnh.

Sau khi lắng nghe và ghi nhận ý kiến của các hộ dân, trình bày của các sở ban ngành, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và chia sẻ với các thiệt hại của dân, ông thành thật nhận lỗi trước người dân về việc đã để tình trạng ô nhiễm kéo dài; Đồng thời, chỉ đạo Sở NN&PTNN phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh triển khai việc lấy mẫu, xác định nguyên nhân cá chết do yếu tố nào tác động để củng cố hồ sơ pháp lý và sẽ hoàn tất trong 1 tuần để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, sau 20 ngày sẽ có kết quả trả lời thỏa đáng, nếu cơ sở chế biến nào gây ô nhiễm sẽ buộc phải bồi thường cho dân.

Trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong buổi tiếp xúc các hộ dân; chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì buổi họp triển khai với các sở ban ngành, địa phương và các cơ quan chuyên môn của tỉnh; chỉ đạo phải xử lý dứt điểm để có câu trả lời cho dân vào cuối tháng 9/2015 về nguyên nhân cá chết, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào, người dân có được bồi thường hay không, trường hợp nào được bồi thường, số lượng bồi thường bao nhiêu. Trước mắt, UBND tỉnh tạm đình chỉ 18 cơ sở, nhà máy chế biến hải sản không đáp ứng yêu cầu về môi trường tại xã Tân Hải; Đồng thời, ban hành Quyết định 2074/QĐ-UBND thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đất đai và xây dựng đối với 22 cơ sở chế biến hải sản và bột cá tại xã Tân Hải, huyện Tân Thành; Thời gian thanh tra trong 30 ngày với các nội dung như: thanh tra các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường của cơ sở, công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của cơ sở trước khi xả thải ra môi trường, lấy mẫu, giám định mức độ ô nhiễm chất thải ra môi trường.

Các hộ dân bị thiệt hại khi được hỏi thì tỏ ra rất an tâm, phấn khởi, hy vọng và tin tưởng vào lời hứa của lãnh đạo tỉnh, tiếp tục chờ sự giải quyết xác đáng, trả lại sự công bằng cho người dân nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu nói chung lâu nay phải hứng chịu.

>>  Qua thống kê sơ lược, trong số cả trăm hộ dân thiệt hại, có hơn 10 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và bị thiệt hại rất lớn, cá chết khoảng 30.000 con (cá chim 25.000 con, cá bớp 5.000 con). Mức độ thiệt hại khoảng 4,5 tỷ đồng.

Nguyễn Hữu Thi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!