Ngày 23/9/2015, tại Hải Phòng, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả điều tra nguồn lợi hải sản biển Việt Nam. Đây là nội dung thuộc tiểu dự án số 9 “Điều tra tổng thể hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam” do Thạc sĩ Nguyễn Viết Nghĩa (Viện Nghiên cứu Hải sản) làm chủ nhiệm.
Theo báo cáo tại Hội thảo, trữ lượng hải sản Việt Nam hiện có khoảng 4,6 triệu tấn (nghiên cứu giai đoạn 2010 – 2015) với 911 loài, bao gồm 351 loài cá đáy, 244 loài cá rạn, 156 loài cá nổi, 12 loài cá nổi biển sâu, 84 loài giáp xác, 38 loài động vật chân đầu và 26 loài khác.
Trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển Vịnh Bắc bộ chiếm 17%, Trung bộ 20%, Đông Nam bộ 26%, Tây Nam bộ 13%, giữa biển Đông 24%. Phân theo vùng, trữ lượng vùng bờ chiếm 12%, vùng lộng 19% và vùng khơi 69%. Theo nhóm loài, trữ lượng cá nổi lớn chiếm 23%, cá nổi nhỏ 61%, hải sản tầng đáy 15%, giáp xác 0,9%, cá rạn san hô chiếm 0,1%.
Theo đánh giá của Nhóm điều tra, nguồn lợi hải sản tầng đáy có chiều hướng giảm sút khá lớn so với giai đoạn 2000 – 2005, cá nổi nhỏ giảm không đáng kể, cá nổi lớn có xu thế biến động theo chu kỳ Elnino, Lanina. Hầu hết các vùng biển đang duy trì áp lực khai thác tương đối cao, đặc biệt là vùng Vịnh Bắc bộ và Trung bộ. Vùng phân bổ tập trung bãi đẻ, bãi ương nuôi tự nhiên gồm 4 khu vực chính: ven bờ Quảng Ninh – Nam Định; ven bờ Thanh Hóa – Hà Tĩnh, ven bờ Vũng Tàu – Bạc Liêu; vùng biển Cà Mau – Kiên Giang. Mùa vụ sinh sản của các loài hải sản ở vùng biển thường vào tháng 3 – 5 (mùa sinh sản chính) và tháng 7 – 9 (mùa sinh sản phụ).
Với kết quả điều tra trên, Viện Nghiên cứu Hải sản đề nghị Bộ NN&PTNT sớm xem xét công bố để áp dụng vào thực tiễn quản lý và sản xuất của ngành thủy sản. Đồng thời, tiếp tục điều tra để đánh giá biến động nguồn lợi, làm cơ sở cho việc quản lý nguồn lợi, nghề cá theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cho rằng, con số trong báo cáo “vênh” quá nhiều so với con số được Tổng cục Thống kê đưa ra là 2,4 – 2,6 triệu tấn. Lý giải về điều này, đại diện Nhóm điều tra cho rằng điều tra nguồn lợi hải sản mang tính chất biến động và đặc thù hơn so với các nguồn lợi khác. Mặt khác, khi báo cáo về sản lượng khai thác, nhiều địa phương đã “điều chỉnh” con số, hoặc sử dụng phương pháp quy đổi riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng là có thể chứng minh được phương pháp điều tra hợp lý và phù hợp với xu hướng sử dụng của thế giới hiện nay.