Đề án 52 tại Kiên Hải, Kiên Giang: Chăm sóc sức khỏe toàn diện người dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Qua 5 năm triển khai Đề án 52, hoạt động chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại huyện Kiên Hải đã bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực, các mô hình kết hợp cung cấp thông tin góp phần hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động chuyên môn.

Thắm thiết tình quân dân

Theo bà Nguyễn Thị Đang, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện Kiên Hải, điểm nổi bật trong công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ là việc duy trì mô hình “Quân dân y kết hợp” cung cấp thông tin và dịch vụ KHHGĐ cho ngư dân sống trên các đảo nhỏ và ngư dân chuẩn bị đi biển dài ngày tại 4 xã, cùng các hộ gia đình sinh sống trên các bè nổi nuôi cá.

Theo đó, Trung tâm đã phối hợp với Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng 742 An Sơn thành lập 3 điểm tư vấn trực tiếp cho những nam giới lao động trên các phương tiện đánh bắt thường xuyên ra vào các đồn biên phòng. Các hoạt động phối hợp với Bộ đội Biên phòng các xã đã làm tăng số người được cung cấp thông tin, cung cấp dịch vụ, tạo hiệu quả trong công việc, phát huy lợi thế của mỗi ngành, để hoàn thành nhiệm vụ chung.

Cùng đó, với 48 cộng tác viên tuyên truyền ở cơ sở, ngành dân số đã phối hợp với đội ngũ tuyên truyền viên của Hội Phụ nữ, tạo nên mạng lưới tuyên truyền rộng khắp, đan xen, hỗ trợ nhau trong quá trình phối hợp hoạt động. Tùy theo điều kiện công việc của chị em, Hội Phụ nữ cùng cộng tác viên dân số lên kế hoạch tuyên truyền như, họp nhóm, gặp trực tiếp đối tượng, hoặc phối hợp với chủ vựa cá, chủ cơ sở vá lưới, cơ sở chế biến hải sản để tổ chức tuyên truyền tại nơi làm việc hoặc trên các tàu đang neo đậu. Với các chị em phục nữ đang làm việc tại các quán ăn, lực lượng gặp gỡ trực tiếp, phát tờ rơi và thông báo địa điểm, thời gian khám để đối tượng sắp xếp thời gian tham gia.

Tuyên truyền chăm sóc SKSS/KHHGĐ Kiên Giang

Phụ nữ vùng biển Kiên Giang được tuyên truyền chăm sóc SKSS/KHHGĐ

Bằng những chương trình đã tổ chức và triển khai, huyện đã hình thành và duy trì hoạt động các mô hình Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình phát triển bền vững”, “Tổ phụ nữ không có người sinh con thứ 3”, “Nhóm nhỏ cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ tăng thu nhập”, “Gia đình trẻ”, mỗi Câu lạc bộ có 15 – 20 thành viên, sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng. Chị em sinh hoạt trong Câu lạc bộ đều được khám thai, siêu âm chẩn đoán phát hiện bệnh phụ khoa định kỳ, xét nghiệm bệnh lý thai nhi trước sinh, tầm soát dị dạng thai nhi. Đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền đã làm tốt công tác dân vận, tập hợp vận động đối tượng tham gia ở nhiều địa bàn, không gò bó về không gian và thời gian, tạo nên sự gần gũi, giúp đối tượng tham gia với số lượng đông đảo nhất. Qua hoạt động thực tế cho thấy, nhiều cộng tác viên đã trên 70 tuổi nhưng vẫn hăng hái tuyên truyền, gắn bó lâu dài với công tác dân số, không quản khó khăn hay hay thù lao hỗ trợ còn ít.

 

Nhiều kết quả tích cực

 Toàn  huyện Kiên Hải có 20.230 người, với đặc thù công việc biển đảo, giao thông đi lại giữa 4 xã trong huyện và vấn đề thời tiết gây cản trở lớn cho các hoạt động dân số. Mặc khác, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đa phần là chị em làm công việc liên quan đến biển, thu nhập ít, không ổn định, không có điều kiện  chăm sóc sức khỏe bản thân. Đặc biệt, số lượng chị em ở xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du mắc bệnh phụ khoa nhưng không đủ điều kiện vào đất liền khám bệnh, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao, chị em mong vào những đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ DS – KHHGĐ, vào các đợt khám SKSS tăng cường của Trung tâm Y tế phối hợp với ngành dân số triển khai tận xã, để có điều kiện khám, siêm âm, phết tế bào, phát hiện bệnh phụ khoa, ung thư kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Đang cho biết thêm, ngành dân số Kiên Hải đã thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc SKSS cho phụ nữ, nhất là phụ nữ tại vùng biển, giúp chị em phụ nữ trở thành công dân biển khỏe về thể chất, ổn định về kinh tế, gia đình hạnh phúc. Với sự nỗ lực vào cuộc của mọi cơ quan, ban ngành, đã đưa tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các BPTT toàn huyện đạt 75%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 11,9‰, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 từ 10,5% giảm còn 9,2%.

Qua 5 năm triển khai thực hiện, Trung tâm đã tổ chức tư vấn về chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên 9.000 lượt tại hộ gia đình và tư vần về làm mẹ an toàn, khám SKSS, siêu âm, sàng lọc trước sinh cho 3.125 phụ nữ. Có trên 12.000 phụ nữ được khám phụ khoa, tỷ lệ phụ nữ có thai được khám đủ bình quân 3 lần đạt 90%, tỷ lệ phụ nữ được tiêm phòng vaccine, uốn ván và chăm sóc sức khỏe sau sinh đạt 100%.

Tuy nhiên, Trung tâm cũng mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa từ các cơ quan ban ngành chuyên môn, nhằm giải quyết những khó khăn liên quan đến vấn đề kinh phí thực hiện Đề án, để triển khai chiến dịch, khám, cấp phát dụng cụ, thực hiện các đợt truyền thông chủ động hơn, trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn hiện đại, phát hiện chính xác, kịp thời nhiều bệnh chị em mắc phải…

>> Đề án 52 tại Kiên Hải đã đạt được mục tiêu về ổn định quy mô dân số, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giảm tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3, nâng cao chất lượng chăm sóc SKSS cho phụ nữ, nâng cao chất lượng dân số vùng biển đảo, ven biển.

Thanh Dũng - Mai Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!