Ngày 6/10/2015, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 31/2015/TT-BNNPTNT quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi.
Theo quy định tại Thông tư này, dư lượng các chất độc hại là phần còn lại của thuốc thú y, chất kích thích sinh trưởng và sinh sản, chất xử lý môi trường nuôi, các chất độc hại có nguồn gốc từ thức ăn, từ môi trường nuôi và các chất chuyển hóa của chúng tồn lưu trong thủy sản nuôi có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Chương trình giám sát dư lượng triển khai theo nguyên tắc: Đối tượng thủy sản nuôi có sản lượng thương phẩm lớn, giá trị kinh tế cao và phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển của địa phương và cả nước; Vùng nuôi thủy sản có cùng mức nguy cơ về ô nhiễm, xác định theo địa giới hành chính và phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương và cả nước.
Kiểm tra mẫu tôm nuôi – Ảnh: Trần Út
Thông tư xác định, đối tượng thủy sản nuôi cần giám sát trong chương trình giám sát dư lượng gồm: thông tin về sản lượng thương phẩm, giá trị kinh tế và định hướng quy hoạch phát triển của loài thủy sản nuôi này trong các năm tiếp theo. Còn vùng nuôi trong chương trình giám sát là khu vực nuôi trồng thủy sản sử dụng chung nguồn nước cấp có cùng nguy cơ về ô nhiễm (kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật…); nằm trên cùng một địa giới hành chính cấp huyện; phù hợp với quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh và Bộ NN&PTNT…
Cùng đó, đối với mẫu vi phạm là thủy sản đang nuôi, chưa đạt kích cỡ thương phẩm: Cơ quan giám sát có văn bản cảnh báo, yêu cầu cơ sở nuôi xác định nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắc phục phù hợp; lấy mẫu thủy sản nuôi để giám sát tăng cường. Thời điểm lấy mẫu tăng cường phụ thuộc mức độ đào thải của chất bị phát hiện.
Còn đối với mẫu vi phạm là thủy sản đang nuôi, đạt kích cỡ thương phẩm: Cơ quan giám sát có yêu cầu tạm dừng thu hoạch và xác định nguyên nhân, đồng thời thực hiện biện pháp khắc phục phù hợp; yêu cầu và giám sát cơ sở thực hiện nuôi lưu; lấy mẫu thủy sản nuôi để giám sát tăng cường. Khi đạt yêu cầu mới được phép thu hoạch.
Đối với thủy sản có dư lượng các chất đào thải chậm chỉ được phép thu hoạch làm thực phẩm khi đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ hoặc chuyển mục đích sử dụng.
Trường hợp đã thu hoạch trước khi có cảnh báo thì cơ sở nuôi cần phải xác định nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắc phục phù hợp; đồng thời tiến hành truy xuất và thu hồi lô sản phẩm vi phạm; lấy mẫu kiểm nghiệm để thẩm tra và chỉ cho phép đưa ra thị trường tiêu thụ khi đạt yêu cầu.
Đối với mẫu vi phạm được lấy tại cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản nuôi thì cần phải tiến hành truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và thực hiện biện pháp khắc phục phù hợp; nếu cần thiết có thể yêu cầu thu hồi lô sản phẩm đã đưa ra thị trường, cô lập lô sản phẩm đang lưu giữ tại cơ sở, lấy mẫu kiểm nghiệm để thẩm tra, khi kết quả đạt yêu cầu mới được phép đưa ra thị trường. Còn ngược lại, chỉ cho phép sử dụng làm thực phẩm khi đáp ứng các yêu cầu của thị trường tiêu thụ hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng.
Ngoài ra, Thông tư cũng yêu cầu cơ sở nuôi thủy sản chỉ sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, hóa chất xử lý, cải tạo môi trường có tên trong Danh mục được phép lưu hành, đồng thời phải ngưng sử dụng trước khi thu hoạch theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cùng đó, lưu trữ đầy đủ và cung cấp cho cơ quan giám sát các thông tin về loài thủy sản, hình thức và diện tích, sản lượng nuôi, thời điểm thu hoạch, con giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản đã sử dụng (nếu có) và các thông tin liên quan đến quá trình nuôi khi được yêu cầu.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 19/11/2015 và thay thế Quyết định số 130/2008/QĐ-BNN ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Quy chế kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi.