Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án 52 tại Bình Định là việc giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, đóng góp chung vào sự bền vững của địa phương. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu chung của toàn tỉnh. Địa phương đang tích cực triển khai, tháo gỡ những khó khăn để đảm bảo kết quả đề ra.
Nhiều khó khăn
Từ năm 2009 khi triển khai Đề án đến nay, nhìn chung công tác dân số tại 32 xã đã có sự thay đổi tích cực, tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các BPTT hiện đại và tỷ lệ người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe BMTE/SKSS cao hơn so với những năm trước.
Có thể thấy tại các địa phương ven biển, nhu cầu sử dụng nam giới phục vụ hoạt động đi biển còn rất nhiều, tình trạng “sinh bằng được con trai” đã ăn sâu vào suy nghĩ mọi người, mọi nhà. Do đó, ngành dân số Bình Định đã nỗ lực tập trung cho những hoạt động tuyên truyền, giúp người dân dần thay đổi thói quen, hạn chế những ảnh hưởng đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh.
Phụ nữ Bình Định làm việc trong lĩnh vực thủy sản được tiếp cận chăm sóc SKSS/KHHGĐ – Ảnh: Trịnh Thu Nguyệt
Theo Chi cục DS – KHHGĐ Bình Định, mục tiêu của Đề án 52 trong năm 2015 và những năm tiếp theo là phấn đấu duy trì kết quả đạt được và giảm tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ, giảm tỷ lệ dị tật, dị dạng ở trẻ sơ sinh, góp phần ổn định phát triển kinh tế, xã hội các vùng biển, đảo và ven biển của tỉnh. Năm 2015, Ban chỉ đạo công tác DS – KHHGĐ tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,3‰; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 là 0,3%; tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 10%, sơ sinh là 25%, số người sử dụng các BPTT là 77.200 người. Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu đề ra còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cách làm của từng địa phương.
Tháo gỡ triệt để
Cùng với những khó khăn trong việc tuyên truyền giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, ngành dân số Bình Định cũng “tắc” trong những hoạt động khác như triển khai các biện pháp chăm sóc SKSS, cung cấp dịch vụ cho mọi đối tượng. Theo ông Phạm Xuân Hoàng, Chi cục DS – KHHGĐ Bình Định, việc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thiết kế, triển khai thí điểm mô hình can thiệp “Mô hình cung cấp dịch vụ và tư vấn về chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ và cung cấp bao cao su, thuốc tránh thai cho những người làm việc trên biển trước khi xuất bến đi biển dài ngày, khi cập bờ tại các âu thuyền, cảng cá” cũng gặp một số khó khăn lúng túng. Nguyên nhân chủ yếu là do đối tượng được cấp bao cao su miễn phí là những người nghèo, người trong hộ cận nghèo có đăng ký sử dụng bao cao su để tránh thai ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng núi, hải đảo. Hơn nữa, kinh phí thực hiện Đề án đã cắt giảm nhiều, những địa phương đang thực hiện dự án, khi không có kinh phí, cũng bị ảnh hưởng nhiều từ việc này.
Những cán bộ trong ngành dân số tại địa phương đánh giá, để đạt được mục tiêu như mong muốn, thời gian tới cần phải tháo gỡ những khó khăn về trang thiết bị; Bởi, dụng cụ y tế ở tuyến xã còn yếu và thiếu, nhiều địa phương địa bàn rộng, đi lại khó khăn; mật độ dân cư đông cũng gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ quản lý. Cùng đó, đối với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cần được tiến hành thường xuyên, lồng ghép vào các chương trình hoạt động của địa phương.
Mặt khác, ngành dân số nên tiếp tục triển khai các đợt lưu động y tế để thực hiện công tác truyền thông tư vấn tại 32 xã thuộc Đề án 52. Các dự án đang triển khai cần được tiếp tục củng cố và duy trì hoạt động hiệu quả trên cơ sở tuyên truyền vận động, lấy đội ngũ cộng tác viên và tuyên truyền viên DS – KHHGĐ, y tế cở sở làm lực lượng chủ đạo. Trong việc triển khai giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, các địa phương cần kiên trì thực hiện, sử dụng hiệu quả đội ngũ cộng tác viên dân số, đầu tư cho công tác tuyên truyền và sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị. Mục tiêu chung, nhằm đóng góp vào sự ổn định, phát triển của địa phương, gắn liền hoạt động biển đảo với công tác dân số.
>> Thời gian qua, Chi cục DS – KHHGĐ Bình Định đã phối hợp hiệu quả với các ban, ngành liên quan trong việc lồng ghép tuyên truyền, giáo dục vào hoạt động của các tổ chức. Trung tâm DS – KHHGĐ các huyện, thành phố đã phối hợp với đài Phát thanh huyện, xã tổ chức tuyên truyền hoạt động liên quan đến Đề án. |