Chỉ trong 9 tháng đầu năm, hàng trăm lô hàng thủy sản bị trả về và hàng trăm lô hàng khác bị cảnh báo kém an toàn thực phẩm, nhiều thị trường đe dọa đóng cửa với thủy sản Việt Nam. Đó là những hồi chuông khẩn thiết cảnh tỉnh những ai liên quan, có trách nhiệm đối với ngành thủy sản nước nhà.
Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ý kiến khẩn thiết: Sử dụng chất cấm trong thủy sản nói riêng và trong nông sản nói chung là “tội ác”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói: “Tôi nhất trí với Đại biểu Đỗ Văn Đương là phải đấu tranh với chất cấm như với ma túy. Tôi đã báo cáo và nêu với các cơ quan chức năng, đối với tôi, việc sử dụng chất cấm là một tội ác”.
Các chất cấm, hầu hết nước ta chưa sản xuất được. Chúng được nhập lậu hoặc nhập hợp pháp rồi tuồn ra sử dụng tràn lan không theo quy định. Vậy các cơ quan kiểm tra kiểm soát ở đâu? Lại vấn đề muôn thuở: Lực lượng yếu và thiếu.
Tại hội nghị toàn quốc triển khai đợt cao điểm công tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản do Bộ NN&PTNT tổ chức hôm 5/11, cho thấy một thực trạng “sờ đâu cũng thiếu”. Lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm ở cơ sở là hệ thống Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản. Thế nhưng hiện nay, hai địa phương chưa thành lập chi cục này, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Thêm nữa, còn 51 địa phương chưa có trung tâm kiểm nghiệm, trung tâm dịch vụ kỹ thuật hoặc trạm quản lý chất lượng. Tức là, chưa có người và thiết bị kiểm tra an toàn thực phẩm. Thậm chí, người cũng thiếu, vì mỗi chi cục cấp tỉnh cần tối thiểu 22 người nhưng hầu hết chỉ có dưới 20 người, có tỉnh chỉ 6 – 7 người.
Lâu nay vẫn tự khen, có đủ cơ chế, chính sách quản lý an toàn thực phẩm; nhưng thiếu người và phương tiện thực thi thì có như không. Vấn đề nhức nhối hơn còn ở tư duy, nhận thức. Mới năm ngoái, năm kia thôi, mỗi khi thị trường nào đó kiểm tra nghiêm ngặt và cảnh báo hàng thủy sản xuất khẩu của nước ta nhiễm chất cấm vượt mức cho phép thì ở ta vẫn có tiếng kêu: dựng hàng rào kỹ thuật. Cứ như thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị phân biệt đối xử.
Trên thế giới, không ai chấp nhận ăn thủy sản kém an toàn. Và ngược lại, không ai chê thủy sản an toàn với giá phải chăng. Việt Nam đã là cường quốc xuất khẩu thủy sản. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát từng nói, xuất khẩu cá tra, nước ta là nước lớn nên phải làm ăn đàng hoàng, minh bạch. Xuất khẩu tôm nước ta cũng luôn đứng những thứ hạng rất cao vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. Phải chăng, nước ta đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới mà vẫn thiếu tư thế kinh doanh đĩnh đạc, đàng hoàng? Cái tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng của thủy sản Việt Nam chính là tư thế của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Làm thế nào để có tư thế ấy thì chỉ có doanh nghiệp biết; nhưng nói như ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt – Úc ở Bạc Liêu, trước hết phải chấm dứt lối kinh doanh “hớt bọt”.