Để doanh nghiệp “mặn mà” với hiệp hội

Chưa có đánh giá về bài viết

Tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và hiệp hội là cần thiết trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Vì thế, thời gian qua, số hiệp hội được thành lập tăng lên đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đã thấy được vai trò tích cực của hiệp hội, song cũng không ít chưa thấy được mối lương duyên hữu ích này.

ông hoàng quang phòng phó chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp việt nam vcciÔng Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ương Các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (ảnh) đã có một vài chia sẻ quanh vấn đề này.

 

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, vai trò của các hiệp hội ngành nghề ở Việt Nam đã được chú trọng. Việt Nam hiện có hàng trăm hiệp hội ngành nghề lớn, nhỏ khác nhau. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các hiệp hội với vai trò tập hợp và hỗ trợ doanh nghiệp?

Hiện, Việt Nam có hàng trăm hiệp hội doanh nghiệp chuyên ngành, đa ngành, trong đó gần 100 hiệp hội có phạm vi hoạt động trên toàn quốc, còn lại thì hoạt động trên phạm vi cấp tỉnh, huyện…

Các hiệp hội doanh nghiệp có vai trò nhất định trong việc tập hợp doanh nghiệp trên địa bàn và hỗ trợ doanh nghiệp hội viên. Chức năng nhiệm vụ chính của hiệp hội là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, hội viên; Hỗ trợ phát triển đối với doanh nghiệp, hội viên bằng việc cung cấp thông tin, tư vấn chương trình đào tạo, giới thiệu bán hàng, kết nối giao thương và tổ chức chương trình giao lưu gặp gỡ, tập huấn nghiệp vụ… Về các lĩnh vực trên, một số hiệp hội đã triển khai tốt, điển hình như: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp Hưng Yên…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hiệp hội chưa thực sự làm tốt nhiệm vụ, chức năng và vai trò của mình, chưa trở thành nơi quy tụ của hội viên. Một số hiệp hội có phương pháp và nội dung hoạt động còn nghèo nàn, chưa đi vào thực chất, nặng về hình thức, bề nổi, dẫn đến số lượng hội, hiệp hội ngày càng nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn khó tìm được địa chỉ tin cậy để gửi gắm, cậy nhờ.

để doanh nghiệp mặn mà với hiệp hội

Hiệp hội góp phần giải quyết những vấn đề tranh chấp thương mại – Ảnh: Ngọc Trinh

 

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế, việc tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường” là cần thiết, song nhiều doanh nghiệp lại chưa “mặn mà” tham gia? Điều này phản ánh gì, thưa ông?

Rõ ràng, liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường” là việc cần làm trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế, nhưng quả thực là nhiều doanh nghiệp chưa mấy “mặn mà” tham gia. Điều này cho thấy, doanh nghiệp chưa thực sự tin tưởng vào hiệp hội, chưa thấy được mối lương duyên hữu ích khi tham gia hiệp hội. Lý do thì rất nhiều, song nhìn chung vẫn là do năng lực thực tế của các hiệp hội khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, việc chưa “mặn mà” cũng có lý do từ phía doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp đều có tâm lý thăm dò xem họ “sẽ được gì” khi vào hiệp hội rồi mới tiếp tục gắn bó. Nếu tham gia hiệp hội mà doanh nghiệp chỉ đòi hỏi lợi ích thôi thì chưa đủ, mà còn cần phải có sự đóng góp tích cực về tinh thần lẫn vật chất cho hiệp hội. Có như vậy, hiệp hội mới có cơ sở thực tế để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Điều này thể hiện mối quan hệ tương hỗ giữa hiệp hội và doanh nghiệp.

Khi tham gia hiệp hội, doanh nghiệp nghĩ đến “sẽ được gì”, nhưng cũng cần phải nghĩ “sẽ đóng góp gì”. Nếu có câu trả lời thỏa đáng yêu cầu này thì tôi tin tỷ lệ doanh nghiệp “mặn mà” với hiệp hội sẽ khả dĩ hơn.

 

Ở các nước phát triển, các hiệp hội thường tập trung vào giải quyết những vấn đề về tranh chấp thương mại, kiện chống bán phá giá… Qua thực tế ở nước ta, ông thấy các hiệp hội đã làm tốt vai trò bảo vệ doanh nghiệp, hội viên trong vấn đề này chưa?

Hầu hết hiệp hội ở các nước phát triển cũng thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của họ như tôi đã nói ở trên. Việc tập trung vào giải quyết các vấn đề về tranh chấp thương mại, các vụ kiện chống bán phá giá họ đã làm rất tốt. Qua thực tế ở nước ta, một số hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò này và đã đạt được một số kết quả nhất định; tuy nhiên, cũng có nhiều hiệp hội làm chưa tốt, thậm chí không đủ khả năng để thực hiện. Nguyên nhân thì có nhiều, song yếu tố chủ quan vẫn thuộc về năng lực thực tế của hiệp hội.

 

Theo ông, đâu là những khó khăn mà các hiệp hội thường gặp phải?

Theo tôi, các hiệp hội gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên có ba thách thức lớn luôn phải đối mặt là: Nhân lực, vật lực và tài lực. Nhiều hiệp hội khi triển khai nhiệm vụ lại thiếu các điều kiện cần và đủ cho việc triển khai trên nên thường gặp khó khăn, hạn chế về năng lực.

 

Để tăng cường năng lực cũng như vai trò của các hiệp hội, cần có những các giải pháp nào, thưa ông?

Để tăng cường năng lực cũng như vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, theo tôi cần thực hiện các giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, cần ban hành khung pháp lý hợp lý để các hội, hiệp hội nói chung và hiệp hội doanh nghiệp nói riêng hình thành thuận lợi, phát triển ổn định, phù hợp với thực tiễn. Hiệp hội doanh nghiệp không giống như bất kỳ hiệp hội nào khác vì đây là hiệp hội của các tổ chức kinh tế, các nhà kinh doanh nên rất cần một chương riêng (trong luật hoặc nghị định sắp ban hành). Thứ hai, cần chương trình tập huấn đào tạo nâng cao năng lực công tác cho lãnh đạo hiệp hội, nhân viên làm việc trong các hiệp hội. Thứ ba, cần có sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền đối với hiệp hội bằng việc thực sự lắng nghe những tập hợp phản ánh của hiệp hội về tình hình doanh nghiệp thuộc hiệp hội nhằm kịp thời giải quyết các kiến nghị hợp lý. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần thường xuyên có chương trình trao đổi, làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp về những nội dung cần thiết.

 

VCCI có những cơ chế, chính sách nào để hỗ trợ phát triển hệ thống các hiệp hội ngành nghề?

Với tư cách là cơ quan đại diện cho các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và đội ngũ doanh nhân cả nước, VCCI thường xuyên có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển đối với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp bằng việc tổ chức các chương trình giao ban tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về hoạt động hiệp hội; Tạo điều kiện cho lãnh đạo các hiệp hội được giao lưu với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Chúng tôi cũng đã kiến nghị góp ý vào các dự thảo, văn bản liên quan đến hoạt động hiệp hội; Thường xuyên trao đổi với đại diện các hiệp hội về những nội dung liên quan đến hiệp hội và đã kiến nghị một đề án tăng cường năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp. Trong khi đề án chưa được thông qua thì VCCI đã huy động sự trợ giúp của các tổ chức trong nước và quốc tế để xây dựng, triển khai chương trình công tác, trang bị những kiến thức, kinh nghiệp tốt trong hoạt động hiệp hội. Ngoài ra, cũng đã đề xuất những chính sách hỗ trợ hoạt động đối với hiệp hội doanh nghiệp, nhân viên làm việc trong các hiệp hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Hiện, cả nước có khoảng 400 hiệp hội doanh nghiệp chuyên ngành, đa ngành đang hoạt động, tuy nhiên theo kết quả khảo sát của VCCI, có tới 70% doanh nghiệp được hỏi không muốn tham gia hiệp hội.

Hồng Thắm (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!