Thực hiện Đề án 52 tại huyện đảo Phú Quý, bước đầu đã đem lại hiệu quả đáng kể cho người dân 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải. Kinh phí hạn hẹp nhưng địa phương vẫn tìm được nhiều biện pháp tuyên truyền và duy trì kết quả Đề án.
Kết quả bước đầu khả quan
Bà Đặng Thị Quyện, Phó trưởng Ban chỉ đạo công tác dân số huyện Phú Quý cho biết, chiến dịch chăm sóc sức khỏe BMTE/KHHGĐ năm 2015 luôn được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các Ban ngành, Mặt trận đoàn thể từ huyện đến cơ sở; nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nâng cao nhận thức trong nhân dân, thấy được lợi ích việc thực hiện chính sách dân số, chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên trong huyện… Cùng đó, kinh phí đảm bảo được cấp phát đủ cho đối tượng tham gia thực hiện KHHGĐ trong dịch vụ đình sản, đặt vòng…
Trong năm, dù kinh phí còn hạn chế nhưng địa phương đã thực hiện 2 đợt chiến dịch, nhằm cơ bản thực hiện cấp phát thuốc, khám định kỳ cho các đối tượng cần chăm sóc sức khỏe hơn cả; nhờ đó, sức khỏe sinh sản phụ nữ tăng, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên dần được cải thiện.
Ngoài ra, qua mỗi đợt thực hiện chiến dịch đều có sự phân công cán bộ tham gia kiểm tra, giám sát các nội dung: công tác tuyên truyền vận động, chuẩn bị thuốc điều trị, phương tiện tránh thai, cơ sở vật chất… để quá trình tổ chức triển khai chiến dịch tại trạm y tế xã được thuận lợi, hiệu quả.
Phụ nữ ở Bình Thuận hoạt động trong lĩnh vực thủy sản chiếm tỷ lệ lớn – Ảnh: Vũ Mưa
Khó khăn còn nhiều
Cùng với sự cắt giảm kinh phí nói chung của ngành, địa phương cũng bị cắt giảm nhiều, mọi hoạt động đều bị ảnh hưởng. Chiến dịch thực hiện ngày càng giảm số lượng, chất lượng; những đối tượng tham gia chỉ được khám, tư vấn và cung cấp một số loại thuốc có sẵn. Nhìn chung, công tác tuyên truyền vận động tại hộ gia đình trong thời gian chiến dịch có lúc thiếu tập trung, rời rạc, thông tin trên cụm truyền thanh cơ sở chưa được phát huy đúng mức.
Hơn nữa, nhận thức của một số cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ có lúc còn chủ quan, chưa nhiệt tình tham gia khám sức khỏe (khám phụ khoa) và thực hiện KHHGĐ trong các đợt chiến dịch. Cùng đó, hệ thống cơ sở vật chất còn hạn chế, Trạm Y tế xã Long Hải đang thời gian thi công, xây dựng, chiến dịch đợt 2 vẫn tổ chức tại Trung tâm Y tế Quân y huyện Phú Quý nên việc đi lại của một số chị em có phần khó khăn hơn. Trong thời gian chiến dịch, sự cố mất điện ảnh hưởng đến việc khám, siêu âm và làm xét nghiệm soi tươi tại chỗ (trạm y tế xã) khiến hiệu quả chưa cao. Qua 2 đợt chiến dịch, tổng số khám 647 lượt người, giảm 503 lượt so với năm 2014; đình sản, đặt vòng đạt thấp so kế hoạch (đình sản 30%; đặt vòng 42,63%).
Tiếp tục duy trì
Thời gian tới, Phú Quý sẽ duy trì hoạt động chiến dịch, thực hiện chế độ chăm sóc SKSS cho mọi đối tượng, tư vấn, truyền thông về KHHGĐ như những năm trước. Tuy nhiên, mong muốn của ngành dân số nơi đây là tiếp tục nhận được kinh phí hoạt động để hoạt động hiệu quả, rộng rãi hơn; bởi dụng cụ, trang thiết bị phục vụ còn thiếu, chưa đáp ứng đủ yêu cầu của các đối tượng. Đồng thời, ngành dân số sẽ phối hợp chặt chẽ với ban ngành liên quan, chăm sóc toàn diện, tiếp tục tư vấn, tuyên truyền mọi hoạt động Đề án tại 3 xã. Cùng đó, với đội ngũ cộng tác viên dân số 43 người như hiện nay và 1 cán bộ dân số phụ trách hoạt động 1 xã, số lượng này còn thiếu; do đó, nếu có kinh phí hoạt động, sẽ bổ sung thêm lực lượng này.
Về hoạt động của địa phương thời gian tới, một cộng tác viên dân số xã Ngũ Phụng cho biết, nếu có kinh phí duy trì hoạt động, cộng tác viên dân số sẽ bớt khó nhọc, bởi đội ngũ cộng tác viên hiện được hưởng chế độ thù lao rất khiêm tốn, làm việc tự nguyện kết hợp nhiều chương trình, dự án.
>> Năm 2015, lượng người tham gia đình sản tăng 5% so năm 2014, đặt vòng tăng 4,93%. Cùng tham gia công tác dân số, UBND và Ban Dân số các xã đều xây dựng kế hoạch triển khai, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; kịp thời rà soát, củng cố, bổ sung thành viên Ban Dân số và đội ngũ cộng tác viên. |