Ngành thủy sản Việt Nam năm 2015 đã khép lại với nhiều chông gai và dự kiến năm 2016 tới cũng chưa hết thách thức. Cùng lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia về ngành thủy sản năm qua và định hướng phát triển cho thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Thủy sản chưa hết khó khăn
Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu thủy sản sụt giảm là do kinh tế thế giới mới chỉ tăng trưởng nhẹ, nhu cầu tiêu dùng nói chung, đối với sản phẩm thủy sản nói riêng đã tăng trở lại nhưng còn ở mức thấp. Mặt khác, các nước sản xuất tôm đã khôi phục lại sản xuất sau giai đoạn bị dịch bệnh, tạo sức cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm tôm của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra tại thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu thay đổi theo hướng tích cực hơn, thậm chí kết quả rà soát POR10 còn cao hơn giai đoạn trước. Ngoài ra, các yếu tố về thời tiết như nhiệt độ cao, nước biển xâm nhập sâu làm độ mặn tăng, mưa giông trên diện rộng một số tháng trong năm đã làm cho tôm nuôi giảm sức đề kháng, dễ nhiễm các mầm bệnh; giá thủy sản nguyên liệu giảm trong khi vật tư cho nuôi trồng tăng, ngư dân tiếp tục bị cản trở trên các ngư trường truyền thống, vẫn là yếu tố ảnh hưởng không thuận lợi cho sản xuất thủy sản.
Ông Phạm Khánh Ly, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản: Áp dụng quy trình sản xuất an toàn
Năm 2015, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương tích cực thả giống theo khung mùa vụ, giảm diện tích tôm thẻ chân trắng đồng thời gia tăng diện tích tôm sú. Cùng đó, xây dựng quy trình sản xuất tôm an toàn dịch bệnh tại Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh cho hiệu quả cao. Diện tích tôm – lúa ở ĐBSCL đã chuyển biến rất tích cực với mức tăng 30% diện tích, năng suất trung bình lên 500 kg/ha (so với 300 kg/ha như trước đây). Cùng với hình thức tôm – lúa, năm 2015, hàng loạt các mô hình nuôi tôm an toàn theo hướng VietGAP, tôm sinh thái, công nghệ cao, nhất là cách thả tôm thưa, kết hợp điều chỉnh chế độ ăn đang được nông dân tự giác nhân rộng; bởi vừa giảm được chi phí, vừa tăng năng suất và mẫu mã sản phẩm, đặt biệt là giảm dịch bệnh rõ rệt.
Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư: Tiếp tục kiện toàn bộ máy hoạt động
Cục Kiểm ngư đã tổ chức và duy trì kíp trực 24/24h để vận hành hệ thống Movimar, trong năm, hệ thống đã ghi nhận gần 3.000 lượt tàu cá trên dữ liệu, tiếp nhận và cảnh báo 17.992 lượt tin cho tàu cá. Cục đã tham mưu cho Tổng cục Thủy sản ký kết thỏa thuận đường dây nóng giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam, Bộ NN&PTNT Philippines… Đồng thời, thực hiện một số giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ và xử lý. Năm 2016, Cục Kiểm ngư tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy, hoạt động chuyên ngành kiểm ngư, thực hiện tuần tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành thủy sản trên biển, thường trực đường dây nóng với các nước, thực hiện phòng chống bão lụt và giảm nhẹ thiên tai chuyên ngành thủy sản, phối hợp với nhà máy đóng tàu sửa chữa, nâng cấp 3 tàu Kiểm ngư, dự kiến sẽ bàn giao cho Cục Kiểm ngư và đưa vào sử dụng vào quý III/2016.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y: Quyết liệt phòng chống dịch bệnh
Công tác phòng chống dịch bệnh nuôi tôm nước lợ năm qua, Cục Thú y đã vào cuộc quyết liệt, tìm biện pháp khắc phục kịp thời. Năm qua, bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy tăng là do thức ăn tươi sống (hàu, con giời); theo đó, người nuôi cần xử lý tốt nguồn thức ăn tươi sống, áp dụng các hình thức nuôi trồng an toàn sinh học, VietGAP, giám sát sử dụng chế phẩm sinh học, hóa chất cải tạo môi trường. Năm qua, trên 56.000 ha thủy sản nuôi trồng tại các tỉnh bị thiệt hại, tăng gần 5% so năm 2014 cùng trên 31.000 lồng bè nuôi thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh. Trong đó, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại trên 52.000 ha, tăng 2,3% so năm trước. Năm 2016, để hạn chế dịch bệnh trong nuôi trồng, địa phương và trung ương phối hợp tốt kế hoạch phòng trừ dịch bệnh, triển khai giải pháp xử lý môi trường hiệu quả.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản: Điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác
Hiện, cả nước có 113.000 tàu, trong đó có 31.000 tàu công suất từ 90 CV trở lên. Tuy nhiên, số tàu khai thác nghề lưới kéo hiệu còn rất lớn, lên tới 12.500 tàu. Theo nghiên cứu trước đây, Việt Nam có khoảng 12.000 loài hải sản nhưng một báo cáo đang tiến hành nghiên cứu, số loài hải sản đã giảm đáng kể, cần phải tính tới khai thác theo hướng bền vững. Nếu so với quy hoạch đến 2020, số tàu đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó đặc biệt phải cơ cấu lại nghề khai thác theo hướng giảm, thậm chí là chấm dứt các nghề đánh bắt kiểu tận diệt như nghề lưới kéo để vừa khai thác, vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Lê Trần Nguyên Hùng, PGĐ Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế: Cải thiện chất lượng hạ tầng cơ sở
Khó khăn lớn trong phát triển mạnh ngành thủy sản của địa phương là cơ sở hạ tầng nghề cá thuộc vào loại yếu kém nhất trong các tỉnh thành ven biển trong cả nước. Hầu hết các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền đều xuống cấp, bị bồi lắng, tàu không vào được khi hạ triều… Ngoài ra, các yếu tố khác như thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, chế biến hải sản còn manh mụn… Do đó, để phát triển nghề biển bền vững thủy sản, hậu cần nghề cá cũng cần được đầu tư phát triển tương xứng mới phát huy được hiệu quả việc khai thác, đánh bắt trên biển của những đội tàu xa bờ trong tương lai. Cùng đó, hiện, con giống tại khu vực miền Trung chủ yếu phụ thuộc vào miền Nam nên chất lượng không đồng đều, hiệu quả sản xuất chưa cao; trong khi vật tư đầu vào vẫn cao. Về lâu dài, cần chủ động được nguồn giống, đảm bảo chất lượng và hiệu quả bền vững.
Ông Wilf Swartz, Chuyên gia kinh tế thủy sản: Chú trọng khai thác và nuôi trồng bền vững
Vừa qua, Việt Nam và 11 quốc gia khác đã đạt được Thỏa thuận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. TPP sẽ giúp loại bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng thủy sản, đẩy mạnh khả năng xuất nhập khẩu giữa các nước tham gia TPP. Với các nước như Malaysia, Việt Nam hiện đang phải chịu mức thuế cao thì TPP có thể giúp các mặt hàng thủy sản của những nước này giảm bớt thuế để thâm nhập vào các thị trường trong TPP. Đối với thủy sản, TPP yêu cầu tất cả thành viên phải đảm bảo quản lý nghề cá bền vững, thúc đẩy bảo tồn các loài sinh vật biển quan trọng, chống đánh bắt cá bất hợp pháp và đảm bảo an toàn thực phẩm… Ngành thủy sản Việt Nam muốn phát triển bền vững tất yếu cũng phải đi theo xu hướng này.
Ông Lê Thanh Lựu, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Hội Nghề cá Việt Nam: Liên kết để tạo nên sức mạnh
Ở Việt Nam hiện nay, 60 – 70% sản xuất trong ngành thủy sản là nông hộ quy mô nhỏ. Người nông dân đơn lẻ rất khó để hưởng lợi, nhưng nếu có sức mạnh của tập thể, như tham gia hợp tác xã thì được hưởng lợi nhiều hơn. Đây cũng là một hình thức phù hợp với xu thế. Trước bối cảnh Việt Nam đã tham gia các FTA, TPP và sắp tới là Cộng đồng Kinh tế ASEAN, rõ ràng các cá thể riêng biệt không thể tồn tại được, cần phải liên doanh, liên kết với nhau để ra ra sức mạnh. Theo đó, người dân nên liên kết với nhau để tạo thành hợp tác xã, thực hiện đúng quy chuẩn, đúng quy trình công nghệ, tạo ra những sản phẩm đồng loại, đồng cỡ, đồng chất lượng. Có như vậy mới có quyền để quyết định giá bán trên thị trường.