Thẳng thắn nhận diện cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

2015 với ngành cá tra là một năm có nhiều tranh luận nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện Nghị định 36 để vượt qua khó khăn. Thời điểm cuối năm, Bộ Nông nghiệp Mỹ quyết định tăng cường giám sát thì hướng đi tới của ngành cá tra càng hiện rõ thêm.

Thực trạng

Năm 2015, đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2014. Tất cả các thị trường chất lượng cao và trung bình đều giảm mạnh, chỉ có Trung Quốc tăng cao.

Tỷ lệ cá tra fillet chiếm tỷ trọng lớn và có xu hướng giảm, từ 83,6% ở quý 1, giảm còn 76,65% ở quý 3. Sản phẩm giá trị gia tăng cũng giảm, từ 1,78% ở quý 1, còn 0,53% ở quý 3. Trong lúc, cá tra nguyên con và cắt khúc tăng, từ 7,01% ở quý 1, lên 8,63% ở quý 3. Còn lại là phụ phẩm, bột cá và cá ba sa đều có biến động nhẹ.

Giữa năm 2015, qua kiểm tra sản phẩm cá tra, chỉ có tỷ lệ rất thấp đạt mạ băng tối đa 10%, hàm ẩm tối đa 83%. Còn lại cao hơn rất nhiều, thậm chí nếu quy định tỷ lệ mạ băng 20%, hàm ẩm 86% thì vẫn có tỷ lệ đáng kể chưa đạt.

 

Tranh cãi

Khi chất lượng cá tra xuất khẩu chưa nâng lên mà có chiều hướng giảm, tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng cũng giảm thì kim ngạch đương nhiên giảm, tác động xấu trở lại cả ngành sản xuất. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông Võ Hùng Dũng, phân tích thực trạng “hội nhập ngược”, các doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh nhau bằng hạ giá bán ở nước ngoài, quay về trong nước chèn ép lẫn nhau, chèn ép người nuôi.

nhận diện cá tra

Người nuôi cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn – Ảnh: Duy Khương

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Thới An nuôi cá tra có tiếng ở quận Ô Môn (Cần Thơ) đã chán nản: “Không muốn nói nữa”. Bởi theo ông, những năm qua nói nhiều và tranh cãi nhiều mà chưa thấy chuyển biến phấn khởi. Hợp tác xã của ông đón nhiều quan chức ở trung ương, từ các bộ đến đoàn thể, cả Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến thăm, bao nhiêu tâm huyết được giải bày nhưng “kết quả thì hầu như chẳng có gì”.

Sáng 10/6/2015, tại thành phố Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo góp ý dự thảo sửa đổi Nghị định 36 của Chính phủ và Thông tư 23 của Bộ NN&PTNT về cá tra. Hàng trăm đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có mặt và thảo luận đôi lúc rất căng thẳng. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng xã hội chưa hiểu họ, còn ý kiến ngược lại đánh giá chính doanh nghiệp đã đưa ngành cá tra vào thực trạng khó khăn hiện nay.

Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, than thở “doanh nghiệp đang trong tình trạng bị nghi ngờ”. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương, giải thích khó khăn của ngành cá tra là do khó khăn thị trường thực phẩm thế giới nói chung, giá các loại thực phẩm trên thế giới giảm. Ông Hồ Văn Vàng đặt câu hỏi: Tại sao doanh nghiệp mua dưới giá sàn để bán rẻ ra thị trường? Bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, cho biết ở tỉnh này, nông dân nuôi cá tra rất mừng khi có Nghị định 36 nhưng kéo dài thời gian thực hiện thì “thất vọng ê chề”. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ Nguyễn Minh Thạnh đề nghị: “Đừng nói với nhau quá nặng nề mà cần tỉnh táo xem lại vì lợi ích lâu dài”.

Thẳng thắn tranh luận từ trong hội trường ra cả hành lang lúc giải lao lại hiện rõ một điều tốt đẹp: ai cũng tâm huyết với ngành cá tra. Qua sự thẳng thắn, tất cả thống nhất, phải nâng cao chất lượng chuỗi sản phẩm cá tra vì đó là con đường để tồn tại và phát triển.

 

Nhận diện

Ngày 25/11/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ban hành quy định mới, yêu cầu giám sát các trang trại và xưởng chế biến cá da trơn trong lẫn ngoài nước, để đảm bảo tiêu chuẩn đồng nhất với tiêu chuẩn Mỹ đang áp dụng. Khi có hiệu lực từ tháng 3/2016, quy định sẽ được triển khai từng bước trong hơn 18 tháng tiếp theo. Các nhà cung cấp cá da trơn nước ngoài có thời gian thực hiện những điều chỉnh cần thiết để đáp ứng yêu cầu của USDA.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc HTX Thủy sản Châu Phú nuôi cá tra ở xã Mỹ Phú (Châu Phú, An Giang), cho rằng những vấn đề Mỹ quan tâm cũng là mục tiêu của người nuôi cá tra Việt Nam. Nhiều vùng nuôi đã được chứng nhận BAP, USDC, ASC, GlobalGAP và VietGAP thì chẳng có gì đáng lo ngại.

Về quản lý nhà máy chế biến, ông Dương Ngọc Minh cũng nói “không có vấn đề gì quá khó”. Ông giải thích, nhiều nhà máy chế biến cá tra đã thực hiện được các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn Mỹ, như bộ tiêu chuẩn BAP, nhập khẩu yêu cầu đạt 1 sao về chế biến, trong lúc “Công ty CP Hùng Vương đã đạt cả 4 sao về con giống, nuôi trồng, chế biến, thương mại”.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Anh, để giải quyết khó khăn cho cá tra, cần chú trọng đến sản xuất cá giống, đảm bảo hài hòa lợi ích theo chuỗi giá trị từ người tiêu dùng đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong ngành và cả công nghiệp phụ trợ cho ngành cá tra.

Đại diện một doanh nghiệp đang thực hiện chuỗi sản phẩm cá tra ở tỉnh Đồng Tháp là ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hùng Cá, cho rằng: “Nếu doanh nghiệp sản xuất đã đảm bảo các tiêu chuẩn thì vấn đề kiểm tra chỉ là thủ tục, chẳng đáng lo ngại”. Cũng đã thực hiện chuỗi sản phẩm cá tra ở tỉnh An Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh vững tin việc vào thị trường Mỹ, châu Âu. Bà cho biết: “Chúng tôi đã thuê chuyên gia xây dựng chiến lược đến năm 2018, thực hiện xong tái cơ cấu doanh nghiệp. Từ thành công thí điểm chuỗi liên kết cá tra với diện tích nuôi 42 ha, đang mở rộng lên 72 ha. Chuỗi liên kết kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý môi trường, dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo lợi ích các bên tham gia, nâng cao chất lượng cá tra”.

Sau thẳng thắn tranh luận và trước thách thức mới, xem ra ngành cá tra càng được nhận diện rõ thêm hướng phải đi, mở ra niềm tin ở năm mới.

>> PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Anh (Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ) nhận định: “Những khó khăn mà ngành cá tra đang đối diện tập trung ở tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!