Thế giới 365 ngày

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2015 đang dần khép lại với nhiều sự kiện quốc tế nổi bật, thay đổi cục diện chính trị, kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia.

1.Hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào Paris – thủ đô nước Pháp trong năm 2015 đã làm thay đổi chính sách an ninh quốc gia không chỉ của Pháp mà của cả châu Âu.

– Ngày 7/1/2015 tại Paris, hai tay súng tên Said và Cherif Kouachi tấn công vào tòa soạn báo Charlie Hebdo để trừng phạt việc tòa soạn này xuất bản các ấn phẩm in hình chế giễu nhà tiên tri Mohammad, làm 12 người chết và 11 người bị thương.

– Tối 13/11 theo giờ địa phương, một loạt 6 vụ tấn công khủng bố liên hoàn, gần như đồng thời tại Paris đã khiến thế giới rúng động. Vụ tấn công đầu tiên được hãng tin AP cho là xảy ra tại các nhà hàng bên ngoài sân vận động Stade de France, với 2 vụ nổ bom tự sát, lúc 21h20. Kế sau đó là một loạt các vụ nổ súng, đánh bom tại các nhà hàng, rạp hát tại khu vực quận 10 và 11 trung tâm Paris.

Thông tin cập nhật cuối cùng trên Reuters cho biết, vụ khủng bố kinh hoàng này đã khiến 127 người thiệt mạng, trong đó có 87 người chết trong nhà hát Bataclan, 40 người còn lại là tại các địa điểm xảy ra khủng bố khác trong thành phố. Số người bị thương được thống kê gồm 200 người. Lực lượng cảnh sát đã bắn hạ 8 tên khủng bố.

 

2. 2015 cũng là năm của những thảm họa hàng không liên tiếp, khiến hàng trăm người thiệt mạng, đồng thời làm giảm mạnh uy tín của nhiều hãng hàng không trên thế giới.

– Máy bay Airbus A320 của hãng hàng không Germanwings chở theo 150 người gồm 144 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn rơi xuống khu vực núi Alps, Pháp ngày 24/3, khiến tất cả nạn nhân thiệt mạng. Tại thời điểm đó, máy bay đang trên hành trình từ Barcelona (Tây Ban Nha) tới Dusseldorf (Đức). Nguyên nhân của vụ thảm kịch này được xác định là do cơ phó của chuyến bay đã điều khiển cho máy bay lao vào vực núi.

Hiện trường chiếc Airbus A-321 thuộc hãng hàng không Kogalymavia (Liên bang Nga) rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập

Hiện trường chiếc Airbus A-321 thuộc hãng hàng không Kogalymavia (Liên bang Nga) rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập

– Ngày 31/10, chiếc Airbus A321 thuộc hãng hàng không Kogalymavia khởi hành từ thành phố Sharm el Sheikh đang trên đường tới thành phố St Petersburg, Nga đã bất ngờ rơi xuống bán đảo Sinai, Ai Cập, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 224 người trên khoang, chủ yếu là người Nga. Sau đó, các cơ quan điều tra Nga đã lên tiếng xác nhận có bom khủng bố trên chiếc máy bay này.

 

3. Ngày 15/4, trận động đất kinh hoàng 7,9 độ richter làm rung chuyển Nepal, khiến hơn 8.000 người thiệt mạng, 17.000 người bị thương và phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà. Trận động đất thứ hai mạnh 7,3 độ richter kéo theo nhiều dư chấn mạnh, trong đó có dư chấn 6,3 độ richter ở khu vực cách thủ đô Kathmandu 76 km phía đông, khi người dân Nepal đang bắt đầu công cuộc khôi phục sau thảm họa động đất. Theo Reuters, số người thiệt mạng trong 2 vụ động đất mạnh xảy ra tại Nepal lên đến 8.583 người. Đây là số người thiệt mạng nhiều nhất vì thiên tai trong lịch sử quốc gia Nam Á này.

Khung cảnh tan hoang tại Nepal sau trận động đất

Khung cảnh tan hoang tại Nepal sau trận động đất

 

4. Tại Hàn Quốc, dịch MERS hoành hành gây ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch nước này. Tính từ khi bắt đầu bùng phát tại Hàn Quốc ngày 20/5, dịch này đã lấy đi sinh mạng của 11 người và làm 126 người bị lây, số người bị cách ly do nghi lây nhiễm là 3.800 người. Chính phủ Hàn Quốc đã dành 400 tỷ Won (360 triệu USD) để hỗ trợ các công ty, khu vực và các ngành như du lịch và bán lẻ đang phải chịu ảnh hưởng của MERS. Các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều biện pháp nhằm phòng chống MERS đối với các chuyến bay đến và đi từ Hàn Quốc.

Người dân Hàn Quốc lo sợ bệnh MERS

 

5. Ngày 26/6, một vụ tấn công khủng bố đẫm máu đã xảy ra trên bờ biển thuộc khu nghỉ dưỡng Sousse – miền Đông Tunisia, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 28 người, trong đó có nhiều người nước ngoài. Cũng trong ngày này, vụ đánh bom khủng bố vào nhà thờ Al-Sadiq ở phía Đông Kuwait đã khiến ít nhất 27 người thiệt mạng và ít nhất 227 người khác bị thương. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lên tiếng nhận trách nhiệm trong vụ đánh bom khủng bố lần này.

 

6. Ngày 4/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 diễn ra tại Kuala Lumpur, Malaysia. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. Những nội dung trọng tâm của hội nghị lần này là quyết tâm xây dựng một Cộng đồng ASEAN “liên kết về kinh tế, gắn kết về chính trị, và cùng chia sẻ các trách nhiệm về xã hội”, đảm bảo môi trường hòa bình của khu vực; an ninh và ổn định, đồng thời ứng phó hiệu quả với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…

 

7. Ngày 2/9, hình ảnh xác bé trai Aylan Kurdi chết đuối bên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ khi đang trên đường tị nạn tới châu Âu cùng 16 người nữa đã khiến cả thế giới rung chuyển. Cuộc khủng hoảng người tị nạn gây ra do cuộc chiến tại Syria đang ngày một trầm trọng và châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng di dân lớn nhất từ trước đến nay. Liên hợp quốc cảnh báo trung bình mỗi ngày đang có khoảng 8.000 người tị nạn từ Syria và Iraq đến châu Âu và con số sẽ còn tiếp tục tăng lên – theo Reuters.

 

8. Tối 5/10 (giờ Việt Nam) tại Atlanta (Mỹ), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán. Đối với Việt Nam, TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu khi TPP chiếm đến 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, các nước thành viên đều là những thị trường tiêu dùng lớn của thế giới. TPP cũng giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Hơn nữa, xét về dài hạn, gia nhập TPP là bước ngoặt cho Việt Nam thay đổi cách thức phát triển, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, đàng hoàng, là động lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

 

9. Ngày 8/11 tại Myanmar, Đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) cầm quyền do quân đội hậu thuẫn đã phải thừa nhận thất bại trước đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử lịch sử. Chiến thắng vang dội của đảng NLD là bước đi đầu tiên trong tiến trình đàm phán diễn ra trong vài tuần và vài tháng nữa giữa NLD và giới quyền lực quân đội kiểm soát hiến pháp.

Bà Aung San Suu Kyi

Bà Aung San Suu Kyi

 

10. Ngày 24/11, tiêm kích cơ của Thổ Nhĩ Kỳ bất thình lình phóng tên lửa hạ gục một máy bay cường kích của Nga đang trên đường trở về căn cứ ở Syria. Sự việc bất ngờ này đã khiến hai nước ngay lập tức lời qua tiếng lại. 

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng sau khi máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi

Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ leo thang căng thẳng sau khi máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng máy bay Nga xâm phạm không phận nước mình, còn Nga thì một mực phủ nhận. Mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là tốt đẹp cho tới thời điểm Moscow phát động chiến dịch không kích lực lượng nổi dậy ở Syria từ cuối tháng 9/2015. Không chỉ nhằm mục tiêu không kích IS, chiến đấu cơ Nga còn bị cáo buộc oanh tạc lực lượng chống đối chính quyền Assad, một đồng minh lâu năm của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau sự kiện này, Nga áp dụng hàng loạt những biện pháp trả đũa nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ về cả quân sự, kinh tế, ngoại giao. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, sau đổ vỡ trong quan hệ với Moscow và Trung Đông, nước này đang quay lại bắt tay với Mỹ, Liên minh châu Âu và Israel.

Thanh Mai (Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!