Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có cách đón năm mới khác nhau. Nhiều tập tục lạ, độc đáo mà con người qua bao thế hệ Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa cá, tôm lớn nhất nước. Một thời, hàng ngàn người phất lên thành tỷ phú nhờ nuôi cá tra và tôm sú. Mấy năm nay thì khác… vẫn gìn giữ, tạo nên những nét riêng.
Cá tra vang bóng một thời
Phường Tân Lộc là một cù lao giữa sông Hậu, đối diện quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Cũng là vùng nuôi cá tra lớn nhất Tây Đô từ lâu có biệt danh “Cù lao tỷ phú” vì có hàng trăm người giàu lên từ nuôi cá, trên bờ họ chạy xe hơi, dưới nước họ lái cano… Tuy nhiên, sau nhiều vụ thua lỗ nặng, nhiều người không còn khả năng nuôi tiếp. Những ao cá tra đẻ bạc tỷ ngày trước, nay kẻ bỏ hoang, người rao bán hoặc cho thuê để nuôi cá khác.
Cù lao Tân Lộc đã đổi mới nhiều trong mấy năm vừa qua. Nhà cấp 2, 3 mọc lên san sát, có cả những biệt thự to lừng lững. Đường giao thông được bê-tông hóa phẳng lỳ, có đèn cao áp thắp sáng ban đêm. Một phó chủ tịch phường Tân Lộc cho biết, chuyện tỷ phú cá ở đây mua xe hơi bạc tỷ, chạy cano nay không còn nữa; nhiều ông chủ đã phải bán xe, cầm cố đồ đạc, nhà cửa, đất đai vì thua lỗ cá trong thời gian qua. Thời cao điểm nhất, năm 2006, toàn phường có 179 hộ nuôi cá tra hầm với tổng diện tích trên 319 ha; đến năm 2008 – 2010, hộ nào cũng thua lỗ, ít thì vài trăm triệu, nhiều thì vài tỷ đồng; khoảng 60% hộ kêu bán hoặc cho thuê ao, số còn lại thì “treo” ao hẳn.
Trước đây, nhiều người đổi đời nhờ cá tra – Ảnh: Duy Khương
Phường Tân Lộc diện tích đất tự nhiên trên 3.000 ha, trong đó nuôi thủy sản 90%, còn lại trồng cây ăn trái. Những năm 1980, nơi đây còn nổi tiếng vì nhà máy ép đường mỗi năm cung cấp hàng trăm triệu tấn đường cho ĐBSCL. Bị đường Thái Lan lấn sân, nhiều chủ lò phải đóng cửa. Cũng khi đó rộ lên phong trào nuôi cá tra. Mấy năm liền người nuôi cá tra trúng đậm, nhiều người phất lên như diều gặp gió, chỉ 2 năm đã thành tỷ phú. Như gia đình anh Út Em, từ chỗ làm vườn chỉ đủ ăn, nhờ đầu tư nuôi cá tra đã trở nên giàu có bậc nhất trong phường, mua được xe hơi, cano chạy quanh cồn thăm các ao cá nuôi.
Từ cuối năm 2008 đến nay, cá tra rớt giá liên tục, người nuôi bị lỗ vài ngàn đồng/kg, hết tiền đầu tư. Vài hộ có vốn mạnh, nhiều hộ phải vay nóng để làm vốn nuôi cá với hy vọng gỡ gạc lại. Nhiều hộ vốn yếu trụ không nổi đã chuyển nghề khác. Đại gia số một của phường một thời nhờ cá tra, như ông T.P.Đ, có trên 20 ha ao nuôi, xây nhà lầu 3 – 4 tầng, mua xe hơi, cano chạy đầu tiên ở đây; mấy năm qua, do cá tra “tuột dốc”, ông T.P.Đ càng cố nuôi càng lỗ nặng, phải bán hết tài sản để trả nợ.
Ngậm ngùi con tôm
Những ngày đầu năm 2016, chúng tôi về Cà Mau. Một thời con tôm được mùa trúng giá, nơi đây hàng ngàn người nhờ tôm thành tỷ phú, đua nhau sắm xe, xây nhà, cho con đi học nước ngoài. Mấy năm nay, khi tôm bị dịch bệnh liên miên, giá bán giảm, nhiều người nuôi lâm vào cảnh nợ nần, phải bán đất, bỏ xứ đi làm thuê.
Nhìn vào hai ao tôm, ông T.H.Q (huyện Cái Nước) kể: “Ba năm bắt chước người ta nuôi tôm công nghiệp, tôi nợ gần 300 triệu đồng; chưa tính đồng vốn tích lũy bao năm, bây giờ mất hết”. Hơn 5 năm trước, tiếng trống, tiếng nhạc sập sình vang lên mỗi buổi chiều, vì nhà nhà ăn mừng trúng đậm sau khi thu hoạch tôm. Bây giờ, không khí nhiều vùng quê ảm đạm. Hộ còn vốn thì cố bám nghề nuôi tôm quảng canh. Hộ ít đất, hết vốn thì phải bán ruộng đất, đi tỉnh xa làm thuê.
Những dàn máy, quạt nước phục vụ cho nuôi tôm, nay người dân chất đống bỏ không – Ảnh: Diệu Lữ
Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (Cà Mau) Trần Hoàng Đạo cho biết: Chỉ sau mấy năm phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát bùng lên, dân ở đây nợ ngân hàng khó đòi ngày càng nhiều, nhiều hộ nợ hàng chục tỷ đồng. “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) ở Bạc Liêu cũng không khỏi ngao ngán: “Tui nuôi tôm trước nay vẫn trong vòng luẩn quẩn trúng mùa mất giá, mất mùa được giá. Năm nay mất trắng, giá tôm quá thấp, thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp, nuôi tôm rất khó thành công”. Gia đình “Vua tôm” có 10 ha nuôi, 2 vụ chính năm nay chưa năm nào thả nuôi được 50% diện tích. Vụ đầu năm nuôi 6 ao với 3 ha, do giá quá thấp nên chỉ lãi khoảng 600 triệu đồng. Vụ thứ 2, nuôi 4 ao, lỗ tương đương, “may là chưa bại hẳn”. Theo “Vua tôm”, do khó khăn đồng bộ, diện tích thả nuôi tại đây không lúc nào trên 70%; hiện tại, do nghịch vụ, chỉ có khoảng 30% đang thả nuôi.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2015, đã có trên 56.000 ha thủy sản nuôi trồng trên cả nước bị thiệt hại, tăng gần 5% so năm 2014 cùng trên 31.000 lồng bè nuôi thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh. Trong đó, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ thiệt hại trên 52.000 ha, tăng 2,3% so năm trước. Đặc biệt, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm năm 2015 tăng mạnh, gây hại trên diện tích hơn 9.200 ha (năm 2014 số này 5.500).
Tỉnh Sóc Trăng dẫn đầu cả nước về nuôi tôm công nghiệp bán công nghiệp, với khoảng 42.000 ha, chiếm 83% diện tích nuôi. Vụ nuôi năm 2015, toàn tỉnh thả nuôi hơn 50.500 ha; diện tích thiệt hại không thu hồi được vốn 22%, hơn 19.000 hộ nuôi không còn khả năng thu hồi vốn. Tại Bạc Liêu, đã hơn 15.000 trong tổng số 124.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại.
>> Cá tra một thời giúp làm thay đổi diện mạo phường Tân Lộc, mỗi hộ nuôi cá có thể góp mỗi năm vài chục triệu đồng cho cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội. Mấy năm nay người nuôi cá tra thua lỗ liên tiếp, không ai có sức đóng góp như thế nữa, nên tốc độ phát triển chung của phường chậm lại đáng kể. |