Năm 2015 khép lại với những quyết sách cụ thể thực hiện đề án tái cơ cấu ngành thủy sản để hội nhập sâu rộng với thế giới, qua đó cả những mặt mạnh lẫn điểm yếu cũng bộc lộ. Trong khó khăn thúc bách, bật ra nhiều cách làm sáng tạo, ló rạng định hình tương lai.
Nuôi tôm siêu sạch
Sáng 22/10/2015, Tập đoàn Việt – Úc khởi công xây dựng khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), rộng 315 ha. Khu phức hợp gồm sản xuất giống, nhà máy chế biến thức ăn, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín và nhà máy chế biến xuất khẩu. Tôm thả mật độ 200 – 500 con/m2, nuôi một năm 2 – 3 vụ, một héc-ta mặt nước có thể cho 120 – 300 tấn. Khu nuôi tôm này dự kiến mỗi năm cung cấp 24.000 – 26.000 tấn tôm.
Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín ở Bạc Liêu – Ảnh: Phan Thanh Cường
Đây là phương thức nuôi tôm siêu thâm canh, cũng là siêu sạch, vì không chỉ năng suất cao mà quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh. Tôm nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm.
Ở Bạc Liêu còn có Công ty TNHH MTV Hải Nguyên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín. Giám đốc Công ty Trúc Anh, ông Lê Anh Xuân sử dụng sản phẩm vi sinh nuôi tôm theo công nghệ sinh học do chính ông nghiên cứu sản xuất, làm luận án tiến sĩ.
Công ty Trúc Anh đã phát triển nuôi tôm theo công nghệ Biofloc: không thay nước trong quá trình nuôi, tôm sử dụng sinh khối Biofloc làm thức ăn nên chuyển hóa protein trong thức ăn lên đến 45 – 50%, nâng cao mức độ an toàn sinh học. Từ khi thả nuôi đến thu hoạch không sử dụng loại hóa chất nào.
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex) cũng nuôi theo quy trình vi sinh Biofloc với 8 ha (40 ao) ở ấp Tân Nam, xã Vĩnh Tân (Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ao nhỏ lót bạt nên kiểm soát tốt chất thải, không để bùng phát vi khuẩn có hại và khí độc, cho tôm nguyên liệu sạch.
Giữ uy tín thương hiệu
Fimex còn giữ được mức thuế 0% trong lần công bố mức thuế cuối cùng cho tôm Việt Nam giai đoạn POR9, hôm 9/9/2015, của Bộ Thương mại Mỹ. Lý giải nguyên nhân, Tổng Giám đốc Fimex Hồ Quốc Lực nói: thực hiện chiến lược giữ uy tín thương hiệu. Đó là giữ bằng được chất lượng hàng hóa đã cam kết với khách hàng. Dù thị trường biến động, giá nguyên liệu hay các loại đầu vào có tăng thì vẫn thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng, cả mẫu mã bao bì và thời gian giao hàng. Có bị lỗ cũng phải thực hiện đúng mọi điều đã cam kết, còn gắng thực hiện tốt hơn.
Theo ông Lực, để sản phẩm bán có giá, phải cải tiến công nghệ, tăng năng suất, giảm chi phí, dứt khoát không giảm chất lượng, bởi chất lượng là phần lõi của uy tín thương hiệu. Bên cạnh, mỗi khi xảy ra sai sót, có khiếu nại, phải nghiêm túc lắng nghe, giải quyết thấu đáo. “Không được đổ lỗi khách quan, né tránh trách nhiệm, đặc biệt không được để khách hàng bị thiệt hại”, ông Lực nhấn mạnh.
Để được trao mức thuế suất bằng không, Fimex còn ghi nhận đầy đủ và xử lý trung thực hồ sơ, số liệu thu thập. Tất cả số liệu trong sản xuất, kinh doanh được Fimex cung cấp đầy đủ, chính xác với sự tư vấn của các hãng luật có kinh nghiệm. “Thành công của Fimex là nhất quán thực hiện chiến lược giữ uy tín thương hiệu, suốt 5 năm qua. Trước kia, đôi lúc chúng tôi cũng chưa được rõ ràng”, ông Lực thẳng thắn nhìn nhận.
Cá ngừ sang Nhật
Sáng 31/10/2015, tại cảng cá Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hội Hữu nghị Nhật – Việt ở Sakai tổ chức giao nhận công nghệ và ngư cụ khai thác cá ngừ đại dương của Nhật Bản cho ngư dân. Buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự.
Đại diện phía Nhật Bản trao 25 bộ thiết bị đánh bắt cá ngừ đại dương; đồng thời giới thiệu hệ thống xung điện đánh bắt, cách thức và kỹ thuật bảo quản cá ngừ đảm bảo chất lượng.
“Việc chuyển giao công nghệ và thiết bị câu cá ngừ đại dương của Nhật cho ngư dân Việt có ý nghĩa nhiều mặt, giúp ngư dân tiếp thu công nghệ hiện đại để khai thác hiệu quả hơn”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám phát biểu tại buổi lễ. Thứ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT và ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa triển khai đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương theo chuỗi.
Cá ngừ cập cảng Tam Quan, Bình Định – Ảnh: Lê Xuân Chiến
Ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản Nhật Bản, nhận xét chất lượng cá ngừ Việt Nam mới khoảng 30% đạt yêu cầu, do đánh bắt theo kinh nghiệm, xử lý sau đánh bắt chưa tốt. Trữ lượng cá ngừ Biển Đông ước tính 50.000 tấn, cho phép khai thác khoảng 17.000 tấn/năm. Hiện nay sản lượng đã 15.000 tấn, trong đó Bình Định gần 10.000 tấn, nhưng phần lớn xuất khẩu đông lạnh cắt khúc, xuất tươi sang Nhật chỉ 1.000 tấn, nên giá trị thấp.
Ngư dân Nguyễn Văn Việt, chủ tàu BĐ 97244 TS, cho biết: Sau khi được tập huấn ứng dụng thiết bị và công nghệ khai thác cá ngừ của Nhật Bản, hy vọng nâng cao tay nghề và hiệu quả đánh bắt. Việc đổi mới công nghệ không thể ngày một ngày hai. Tuy nhiên, đây là bước đột phá của ngành thủy sản trong việc tổ chức lại khai thác biển theo hướng hiện đại, hiệu quả. Khi thành công với cá ngừ, có thể rút kinh nghiệm để tổ chức hoạt động khai thác biển với những loại hải sản khác.
Trung tâm Nghề cá
Chiều 23/11/2015, Bộ NN&PTNT triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, về quy hoạch và xây dựng 6 Trung tâm Nghề cá lớn. Trong đó, 5 trung tâm gắn với ngư trường trọng điểm: Hải Phòng (gắn với Vịnh Bắc bộ), Đà Nẵng (Biển Đông và Hoàng Sa), Khánh Hòa (Nam Trung bộ và Trường Sa), Bà Rịa – Vũng Tàu (Đông Nam bộ), Kiên Giang (Tây Nam bộ) và trung tâm tại Cần Thơ (gắn với nuôi trồng và chế biến ở ĐBSCL). Tổng vốn đầu tư gần 14.600 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng các Trung tâm Nghề cá lớn là dự án đặc thù, sẽ chú trọng đề xuất cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp có thể khai thác dịch vụ trên bờ, mặt nước… và quản lý theo quy định. “Đây được xem là hướng đột phá giải quyết khó khăn về vốn, khi doanh nghiệp tham gia sẽ đảm bảo dịch vụ hậu cần và thị trường”, Thứ trưởng Tám nhấn mạnh.
Trung tâm Nghề cá lớn là tổ hợp cảng cá động lực kết nối với hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, dịch vụ hậu cần nghề cá. Mỗi trung tâm có các cầu cảng chuyên dụng cho khai thác, tổng hợp, cảng quốc tế, nhà tập kết, phân loại sản phẩm, khu nước ngọt, xăng dầu, khu phi thuế quan, dịch vụ thương mại.
Đầu tư xây dựng các Trung tâm Nghề cá lớn gắn với ngư trường trọng điểm cả nước là nhu cầu tất yếu và nguyện vọng của ngư dân. Đây là bước đi quan trọng trong quá trình cơ cấu lại nghề cá theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, hợp lý hóa khai thác ven bờ, thúc đẩy phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo.