Toàn tỉnh Thanh Hóa có 18.400 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, nước ngọt 10.350 ha; nước mặn, lợ là 7.700 ha… mỗi năm, cần 2 tỷ con giống các loại.
Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh mới cơ bản đáp ứng được con giống cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt và đáp ứng khoảng 30% giống tôm sú, ngao, cua càng xanh… còn giống tôm thẻ chân trắng phải nhập 100%. Toàn tỉnh hiện có trên 50 cơ sở sản xuất giống thủy sản; trong đó có 44 cơ sở sản xuất giống nước ngọt, 4 cơ sở sản xuất giống nước lợ, mặn và 6 cơ sở sản xuất ngao giống tập trung. Với các loại cá nước ngọt, chủ yếu các loại cá truyền thống, quy trình sản xuất giống đơn giản nên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Riêng cá rô phi chất lượng cao, phục vụ cho thâm canh vẫn phải nhập từ các tỉnh phía Bắc.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 6 cơ sở sản xuất ngao giống tập trung – Ảnh: Phan Thanh
Theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, từ nay đến năm 2020 diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng lên 24.000 ha và 29.000 ha năm 2025, đồng thời tập trung vào 3 đối tượng chính có lợi thế, gồm: tôm thẻ chân trắng, ngao Bến Tre và cá rô phi, phấn đấu chủ động hoàn toàn việc sản xuất các giống thủy sản chủ lực như tôm, ngao, cua, cá…