LTS: Theo đánh giá chung, hiện nay thức ăn chiếm tới khoảng 70% giá thành sản xuất tôm, còn con giống quyết định 50% thành công vụ nuôi. Do vậy, muốn giảm giá thành sản xuất thì giá thức ăn phải giảm trước tiên; muốn vụ nuôi thắng lợi thì con giống phải khỏe.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người băn khoăn là không chỉ giá đắt mà với tình trạng “trăm hoa đua nở” như hiện nay thì người nuôi tôm thật sự bối rối trong việc lựa chọn sản phẩm và nhất là sản phẩm đảm bảo chất lượng, vì lỗ hay lãi nằm ở quyết định chọn loại thức ăn nào, thành phần dinh dưỡng ra sao, con giống tốt hay xấu. Để giúp bà con có thêm sự lựa chọn, Thủy sản Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của một người nuôi tại Bạc Liêu.
Tôi là một người nuôi tôm tại Bạc Liêu, trải qua nhiều thăng trầm sau hơn 10 năm gắn bó với nghề này, tôi rút ra được những bài học cho riêng mình, xin chia sẻ cùng bà con để có thể giúp mọi người “sống khỏe” với con tôm.
Trước đây, khi mới bước chân vào nghề nuôi tôm, khoảng hơn chục năm trước, lúc đó gia đình tôi chỉ nuôi tôm sú quảng canh, không biết có phải do con tôm “dễ tính” hay môi trường trong lành mà hầu như nuôi vụ nào thắng vụ đó. Dù chỉ lời ít nhưng “tích tiểu thành đại”, gom góp nhiều năm lại cũng giúp kinh tế gia đình tôi vươn lên khá giả, làm nhà, mua xe… Nhưng rồi không lâu sau đó, khi “cơn bão” nuôi tôm công nghiệp đổ bộ về, nhìn thấy người ta giàu nhanh từ đầm tôm, gia đình tôi cũng lao theo. Hai ba vụ đầu thành công, ham quá nên được bao nhiêu tiền chúng tôi lại đổ xuống ao đầm, diện tích vụ sau tăng hơn vụ trước. Nhưng mật ngọt chẳng kéo dài, sau một vụ thất bát vì dịch bệnh, vốn liếng của tôi gần như mất trắng. Không chịu thất bại, tôi mang tài sản thế chấp vay vốn đầu tư tiếp. Điệp khúc vay tiền để nuôi nhằm gỡ gạc lặp lại đến mấy lần liền. Sự nóng vội đã lấn át hết lý trí của tôi. Sau đó bình tâm nghĩ lại, tôi mới nhận ra nguyên nhân khiến tôi thất bại nhanh chóng như vậy. Thứ nhất, tôi đã quá nôn nóng chạy theo trào lưu mà không nhìn lại xem mình có gì, thiếu gì. Thứ hai, tôi dễ dàng chấp nhận sự tăng giá của các yếu tố đầu vào như thức ăn, thuốc, con giống… mà không đủ tỉnh táo để nhận ra đây là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất ngày một tăng, lợi nhuận ngày một giảm. Điều nữa, tôi dễ dàng nghe lời tư vấn của những đại lý, môi giới mà không chọn cho mình một nhà cung cấp thật tin cậy…
Để nuôi tôm thành công, người dân phải “trông” nhiều bề – Ảnh: Trần Út
Nhận ra được những thiếu sót của mình, tôi bắt tay làm lại hy vọng gỡ gạc những thất bại trước đó. Đầu tiên, tôi cho ao, đầm được “nghỉ ngơi” theo đúng quy định, cải tạo, chăm sóc kỹ lưỡng và thực hiện đúng phương châm “nuôi nước trước nuôi tôm”. Tiếp theo, vấn đề con giống, tôi không lựa chọn con giống được “nhân viên công ty đưa xuống tận ao” chào mời mà đích thân đến nơi sản xuất quan sát, kiểm tra rồi mới đóng hàng đưa về ao. Mấy năm nay, tôi chọn và thấy con giống của các Công ty C.P, Việt – Úc hay Dương Hùng khá tốt. Tôm khỏe, tỷ lệ sống cao, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt. Cùng đó về thức ăn, tôi trực tiếp mua của một số công ty như Tomboy, C.P. Tôi thấy một điều rằng, mua của các công ty này dù phải có tiền mặt ngay nhưng chất lượng lại đảm bảo, cứ định mức cho tôm ăn và đợi tôm lớn. Hơn nữa, giá thành họ niêm yết đàng hoàng nên không sợ bị tăng đột ngột. Không chỉ vậy, mình còn được nhờ vì đội ngũ kỹ sư của họ rất nhiệt tình, giải đáp bất cứ khi nào mình cần.
Không chỉ vậy, tôi tích cực tìm hiểu và xen kẽ bổ sung cho tôm bằng thức ăn tự chế. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn khiến tôm phát triển tốt hơn. Những cố gắng không mệt mỏi đã giúp gia đình tôi thoát khỏi tình cảnh bế tắc và định hình hướng phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, cái khó của người nuôi tôm còn rất nhiều, không thể chỉ tự lực cánh sinh mà phải có sự chung tay từ nhiều phía. Điều chúng tôi mong muốn nhất là cơ quan nhà nước cần tham gia mạnh hơn nữa, đặc biệt trong việc điều tiết giá cả thị trường. Giá các vật tư đầu vào chưa năm nào thấy đứng im, mà toàn tăng không giảm, nhất là sau những vụ tôm thành công. Không chỉ vậy, người nông dân chúng tôi lại phải chịu cảnh bị thương lái o ép, vì chúng tôi rất khó để liên hệ và bán trực tiếp sản phẩm cho các nhà máy chế biến. Việc này khiến lợi nhuận của người nuôi tôm đã ít lại càng nhỏ và khiến doanh nghiệp mất thêm một khoản cho khâu trung gian. Tất cả cộng lại đã đẩy giá tôm Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực (doanh nghiệp nào cũng nói vậy) nên là nguyên nhân để doanh nghiệp hạn chế mua tôm nguyên liệu trong nước mà tăng cường nhập khẩu. Sự việc này đã khiến chúng tôi nhiều lần điêu đứng và hậu quả thấy rõ là người nuôi tôm Việt Nam sản xuất không kém so với nông dân nuôi tôm các nước nhưng lợi thì luôn ít hơn.
Nuôi tôm ngày một khó lại trong điều kiện thời tiết khó đoán như hiện nay, người dân luôn phải “trông” nhiều bề. Làm sao để có được sự hài hòa giữa các đối tượng sản xuất để con tôm Việt Nam đủ sức khỏe vươn xa. Đây là câu hỏi mà họ rất mong lời giải đáp sớm và hợp lý của cơ quan quản lý.