Thủy sản ĐBSCL: Gồng mình chống hạn mặn

Chưa có đánh giá về bài viết

Hạn hán và ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nuôi trồng thủy sản. Bộ NN&PTNT ước tính nơi đây cần khoảng 4 tỷ USD để đối phó nạn này.

Vùng nhạy cảm

Cả nước hiện có trên 1 triệu ha nuôi thủy sản; trong đó ĐBSCL chiếm 70,61%. Hậu quả biến đổi khí hậu và việc con người can thiệp ngày càng nhiều vào điều kiện tự nhiên ở đây, nhất là việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn đã và đang tác động tiêu cực đến ngành thủy sản.

 Ước tính giai đoạn 2012 – 2015, diện tích đất nuôi trồng thủy sản rất dễ bị tổn thương là 104.930 ha; diện tích đất nuôi trồng thủy sản dễ bị tổn thương là 437.830 ha. Đến năm 2020, diện tích đất nuôi trồng thủy sản rất dễ bị tổn thương là 96.621 ha; diện tích đất nuôi trồng thủy sản dễ bị tổn thương là 416.296 ha. Trong đó, vùng nhạy cảm chịu nhiều ảnh hưởng nhất là ĐBSCL. Diện tích mặt nước giảm, mực nước ngầm giảm, nước ngọt khan hiếm, mưa ít nắng nhiều, diện tích cây xanh và rừng ngập mặn giảm khiến nhiệt độ trong vùng tăng; nếu mức chênh giữa ngày và đêm khoảng 100C sẽ là thách thức quá lớn cho ngành nuôi tôm.

Năm 2020, dự tính nước biển dâng thêm 18 cm so với hiện nay và dâng cao 35 cm vào năm 2050. Các nhà khoa học cho rằng nước mặn lấn sâu vào nội địa, làm mất nơi sinh sống thích hợp của một số loài thủy sản nước ngọt, lợ vùng cửa sông và vào sâu nội đồng. Các loài thực vật nổi, mắt xích đầu tiên của chuỗi thức ăn cho động vật nổi bị hủy diệt, làm giảm mạnh động vật nổi; do đó, giảm nguồn thức ăn chủ yếu của động vật tầng giữa và tầng trên. Ngành tôm sú tại đây vẫn dựa rất nhiều vào nuôi trồng quảng canh và quảng canh cải tiến kết hợp tôm – lúa. Khoảng gần 50% sản lượng tôm sú thu được của ngành là được nuôi và khai thác có liên quan rừng ngập mặn.

thủy sản đbscl gồng mình chống hạn mặn

Kiểm tra độ mặn của nước – Ảnh: Phan Thanh

Từ đầu năm 2016, do thiếu nước ngọt, nồng độ mặn 4 g/l đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố ở ĐBSCL, có phạm vi ảnh hưởng 40 – 60 km. Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu… ngập đều ở mức báo động. Lúa chết nhiều và diện tích tôm – lúa ảnh hưởng đáng kể. Vùng ĐBSCL hiện khai thác thủy sản 800.000 ha, cho sản lượng 3,5 triệu tấn (trong đó cá tra 1,35 triệu tấn, tôm nước lợ 420.000 tấn). Năm 2016 hạn hán và xâm nhập mặn đã đạt mức kỷ lục trong 100 năm qua và độ mặn đã gấp 8 lần tiêu chuẩn.

 

Chủ động đối phó

Ngành thủy sản đã và đang tìm nhiều giải pháp cho vấn đề ngập mặn và hạn hán. Trong đó giải pháp về con giống được quan tâm nhiều. Ở chừng mực nào đó, các loài sinh vật có khả năng thích nghi sự thay đổi môi trường, song chắc chắn nó cần những thay đổi về giống. Việc nghiên cứu đưa ra những con giống khỏe mạnh, có sức chịu đựng với biến đổi thời tiết và môi trường được các doanh nghiệp hiện nay rất chú ý. Tuy vậy, việc cải thiện con giống diễn ra nhỏ lẻ ở từng công ty, doanh nghiệp chứ chưa phải là một chiến lược có sự đầu tư của cả ngành. Do đó, nhiều doanh nghiệp và trang trại nhỏ vẫn phải sử dụng nguồn tôm cá giống chất lượng kém hơn trước. Việc cải tiến chất lượng thức ăn, tăng sức đề kháng cho tôm cá cũng khá phổ biến tại các công ty lớn. Việc đưa chế phẩm sinh học vào sản xuất, giảm ô nhiễm cũng ngày càng được quan tâm hơn.

Tuy vậy, theo các nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu thì hoạt động đối phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là xâm nhập mặn, hạn hán, biến động thời tiết diễn ra khá riêng rẽ, chưa thực sự tìm được tiếng nói chung. Đặc biệt, vai trò các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn trong tình trạng manh mún, mạnh ai nấy lo, việc ai nấy làm và do đó chưa thực sự hiệu quả.

Ngân sách cho lĩnh vực này cần khoảng 4 tỷ USD, song nếu các doanh nghiệp cùng nỗ lực tham gia chống hạn hán và ngập mặn thì nhà nước cũng giảm được đáng kể nguồn ngân sách. Bù lại, các doanh nghiệp sẽ có được môi trường nuôi trồng bền vững và nguồn nguyên liệu xuất khẩu ổn định. Mặt  khác, nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu chỉ mới tập trung cải tiến sản phẩm của riêng công ty mình để nuôi trồng thành công hơn. Trong khi, việc đối phó ngập mặn và hạn hán cần chương trình mang tính tổng thể với sự góp sức của mọi thành phần trong xã hội chứ không chỉ riêng cơ quan quản lý và các nhà khoa học.

ĐBSCL là vựa lương thực, chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Do vậy, nếu ảnh hưởng đến hơn 22% diện tích lúa như vậy thì hậu quả đối với sản xuất nông nghiệp năm nay sẽ rất lớn, vì thế việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này là vấn đề sống còn. Theo dự báo, lượng mưa 6 tháng đầu năm 2016 ở ĐBSCL có khả năng cao hơn 10 – 20% năm trước nhưng tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực lại có nguy cơ thiếu 20 – 40% so trung bình nhiều năm; mực nước sông Cửu Long sẽ ở mức thấp và chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều.

>> Cá lóc khóc ròng vì hạn mặn

Cũng chịu ảnh hưởng từ hạn hán và xâm ngập mặn mà hơn một tháng nay, hàng trăm hộ dân nuôi cá lóc tại xã Đại An (thị trấn Định An); An Quãng Hữu, Kim Sơn, Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú) của tỉnh Trà Vinh phải gấp rút thu hoạch sớm để tránh bị thất thu. Theo đó, hầu hết diện tích ao nuôi cá lóc không thể thoát và tiếp nước nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước tăng cao. Ghi nhận của Phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, nhiều diện tích ao nuôi cá lóc bị bệnh trắng mình, trắng gan và một số loại bệnh ngoại ký sinh khác, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi cá. Với giá cá bán ra thấp, thu hoạch sớm giảm đi năng suất, người nuôi cá lóc bị thua lỗ 300 – 400 triệu đồng/ha/vụ.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!