Thủy sản thích ứng

Chưa có đánh giá về bài viết

Hạn và mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gây thiệt hại lớn nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cảnh báo: “Tình hình khốc liệt còn ở phía trước”.

Đầu tháng 3, nước mặn 4 g/lít đã xâm nhập khoảng một nửa diện tích châu thổ, bao vây hàng loạt thành phố tỉnh lỵ: Tân An, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá. Tại cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ở Cần Thơ ngày 7/3, Bộ trưởng Cao Đức Phát còn nói, hạn năm nay có thể kéo dài đến tháng 6/2016, muộn hơn trung bình nhiều năm gần 2 tháng và đặc biệt, thiên tai như năm nay có thể diễn ra thường xuyên. Cuộc sống phải thích ứng với thiên tai khắc nghiệt.

Theo đó, vùng nuôi tôm nước lợ ven biển đứng trước thách thức nghiêm trọng. Thay vì nước độ mặn 11 – 12 g/lít thích hợp với con tôm, nay nước có độ mặn 17 – 20 g/lít thì dinh dưỡng cho tôm giảm mà phát triển các loại sinh vật khác nên tôm giống thả xuống bị chết hoặc không lớn. Xã Phước Vĩnh Tây có 600 ha nuôi tôm, lớn nhất huyện Cần Giuộc (Long An), lịch thời vụ thả giống từ ngày 15/2 nhưng nay mới thả giống khoảng 20 ha và đã bị thiệt hại, còn lại ao trống. Ở tỉnh Cà Mau, địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất nước, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cho biết, độ mặn tăng cao làm tôm bị bệnh gấp ba lần những năm trước.

Hiện, đã có 8 tỉnh công bố tình trạng thiên tai hạn, mặn là Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang. Để phòng chống thiên tại cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài, công trình và phi công trình. Giải pháp công trình là đắp đập làm cống ngăn mặn, nạo vét kênh rạch dẫn ngọt, làm hồ chứa nước ngọt. Nhu cầu vốn khổng lồ, các địa phương đều nghèo nên đề nghị trung ương hỗ trợ. Bộ trưởng Phát cho biết, các địa phương cần trung ương “hỗ trợ khẩn cấp” 650 tỷ đồng, còn để xây dựng các công trình cấp bách nhất trong các công trình cấp bách là 1.060 tỷ, hoàn chỉnh các dự án 32.000 tỷ. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trung ương “hỗ trợ khẩn cấp” trước mắt có 134 tỷ, còn lại chờ trái phiếu Chính phủ, vay ODA.

Thủy sản để thích ứng với điều kiện mới, có lẽ phải dựa chính vào giải pháp phi công trình, đó là điều chỉnh lịch thời vụ, điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu sản xuất. Trong khó khăn, sự sáng tạo của nông dân lại đưa ra lối thoát. Vùng tôm – lúa ở U Minh Thượng (Kiên Giang) khi lúa không còn sống được, dịch bệnh trên tôm tăng, người nông dân đã sáng tạo ra việc trồng cỏ. Phó phòng NN&PTNT huyện An Minh, bà Trương Thị Anh Đào, cho biết, An Minh có 27.000 ha tôm – lúa, gần đây những xã ven biển đất bị nhiễm mặn nặng, không làm lúa được nữa. Ông Huỳnh Văn Kha ở xã Vân Khánh Tây có 2 ha tôm – lúa, khi không trồng được lúa, ông trồng cỏ năng tượng tạo ra môi trường nuôi tôm như trồng lúa. Các nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ cho biết, cây năng tượng có khả năng lọc mặn, cải tạo đất, giữ nhiệt độ nước và chồi non còn là thức ăn tốt cho thủy sản. Bên cạnh, cỏ đuôi phụng cũng có tác dụng tương tự, nhiều nông dân đã trồng trong ao tôm cho kết quả tốt, tôm ít bệnh và lớn nhanh.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!