Cá tra dầu

Chưa có đánh giá về bài viết

Tra dầu hiện được tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) đặc biệt quan tâm bởi đây là loài cá chỉ thị về tình trạng hệ sinh thái của sông Mê Kông, trong khi chúng đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Đặc điểm

Cá tra dầu có thể coi là loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, thuộc họ cá tra, bộ cá da trơn. Kích thước của chúng lớn, chiều dài có thể lên đến 3 m và trọng lượng có thể đến 300 kg. Cá có đầu to và dẹp, miệng rộng với hai râu dài ở hàm trên, vây bụng dài đến vây đuôi, vây lưng nhỏ ở phía trước. Lưng cá có màu nâu thẫm, màu ở bụng và vây nhạt hơn. Mặc dù lớn nhưng cá tra dầu chỉ ăn thực vật thủy sinh. Cá có đôi mắt nằm thấp trên đầu và hướng xuống dưới, có màu trắng sang vàng ở phía dưới. Chúng được phân biệt với các loại cá da trơn khác bởi râu kém phát triển hơn và không có răng.

cá tra dầu

Cá tra dầu có tập tính di cư sinh sản, chúng thường di chuyển từ tháng 10 đến tháng 12, từ hồ Tonle Sap ở Campuchia vào sông Cửu Long, từ đó nó tiến ngược dòng vào phía Đông Bắc Campuchia, Lào và Thái Lan để đẻ trứng. Chúng sử dụng các thực vật phát triển trong nước làm thức ăn. Đây là loài đặc hữu đối với lưu vực sông Mê kông chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Cá tra dầu chủ yếu được tìm thấy ở hồ Tonle Sap và sông Mê Kông.

 

Hiện trạng

Cá tra dầu đã từng phân bố rộng rãi dọc lưu vực, từ Myanmar cho tới tây nam Trung Quốc. Cho đến đầu những năm 1990, quần thể loài này vẫn còn tương đối dồi dào. Từ đó tới nay, số lượng loài này đã bị giảm mạnh, và chỉ được tìm thấy tại sông Mê Kông và các nhánh của nó tại Lào, Campuchia và Thái Lan. Tính riêng trong thế kỷ qua, sản lượng cá tra dầu trên sông Mê Kông giảm đến 95%, và đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Chúng được phân loại là rất nguy cấp trong Danh sách đỏ IUCN 2004, được liệt kê trong Phụ lục I của Công ước về Bảo tồn di cư loài động vật hoang dã và Phụ lục I của Công ước CITES. Theo nghiên cứu Dự án bảo tồn cá Mê Kông hợp tác với Bộ Thủy sản Campuchia tiến hành nghiên cứu vào năm 2001, đã cung cấp bằng chứng việc nạo vét, xây dựng đập đã phá hủy các bãi đẻ của cá tra dầu, đồng thời cản trở sự di chuyển và không gian sống của chúng.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến quần thể cá tra dầu sông Mê Kông đã bị suy giảm mạnh do việc đánh bắt quá mức. Hiện, để bảo vệ loài cá tra dầu, ở một số nước như Thái Lan, Lào và Campuchia đã ban hành luật cấm khai thác loài cá này. Nhưng, tại nhiều ngôi làng hẻo lánh, dọc theo sông Mê Kông, người dân vẫn không thực thi điều luật này.

Giới khoa học chỉ biết đến loài cá này từ năm 1930 khi nó được “khám phá” tại một chợ cá ở Phnôm Pênh (Campuchia) và cho đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về loài cá này. Vào năm 2005, một cơ quan thủy sản Thái Lan đã bắt và nuôi giữ được một con cá tra dầu, có chiều dài 3 m và nặng 200 kg để nuôi giữ, và tiến hành sinh sản nhân tạo. Nhưng, cá đã chết trong khi nuôi nhốt và được bán làm thực phẩm cho người dân địa phương.

Cá tra dầu không thể nuôi nhốt mà chỉ đánh bắt được ngoài môi trường tự nhiên. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong cá tra dầu có lượng Omega 3 dồi dào nên rất bổ dưỡng cho não.

>> Cá tra dầu hiện là cá nước ngọt lớn nhất trong sách kỷ lục Guinness World Records. Cá có tốc độ phát triển nhanh chóng, nó có thể đạt trọng lượng 150 – 200 kg trong sáu năm.

Nhật Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!