Cua hoàng đế

Chưa có đánh giá về bài viết

Cua hoàng đế có giá trị kinh tế cao, được đánh giá là thơm ngon nhất trong tất cả các loại cua trên thế giới, và trở thành một đối tượng thủy sản có giá trị xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao tại nhiều nước trên thế giới như Australia, Mỹ, Philippines…

Giới thiệu

Cua hoàng đế (Ranina ranina, Linnaeus, 1758) là một loài cua biển, có kích thước khá to, thường bằng bàn tay xòe. Chiều dài cơ thể có thể phát triển đến 150 mm, và nặng tới 900 g. Ở những vùng nước biển sâu, có những con nặng hơn 1 kg. Mai phía trước rộng hơn, màu nâu đỏ với 10 đốm trắng. Cua hoàng đế chủ yếu hoạt động về đêm, ban ngày thường chôn vùi trong đất. Cua có mình khum tròn, giống như hình dáng loài rùa, đầu cua chúi xuống, có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng ngắn, đầu cua dài và có nhiều râu. Cua có bộ áo giáp dày và cứng, màu vàng rực như hoàng bào hay chiến bào, li ti gai nhọn xuôi theo thân, càng to, cạnh sắc như dao. Khác với cua thường, mỗi con cua hoàng đế chỉ có 6 chân và 2 càng.

cua hoàng đế

Cua hoàng đế phân bố nhiều ở vùng biển phía đông nam Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, chúng thường xuất hiện ở những vùng biển sạch, có đáy cát vàng và nguồn nước trong xanh như các vùng biển Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên, Tuy Phong (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cam Ranh (Khánh Hòa).

Trên thế giới, tổng quan về đặc điểm sinh học, kích thước, sức sinh sản và mùa vụ sinh sản tự nhiên của cua hoàng đế tại các vùng biển khác nhau đã được công bố như tại Haiwaii (Fielding và Haley, 1976), Nhật Bản (Minagawa et al., 1993), Australia (Kennelly và Watkins, 1994), Thái Lan (Krajangdara và Watanabe, 2005), Philippines (Baylon vàTito, 2012). Còn tại Việt Nam, các nghiên cứu về đặc điểm sinh học sinh sản của đối tượng này rất ít được quan tâm thực hiện.

 

Hiện trạng

Nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo loài cua này ở trong và ngoài nước hiện vẫn chưa thành công. Cua thương phẩm cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn khai thác tự nhiên.

Tuy nhiên, nguồn lợi cua hoàng đế trong tự nhiên đã giảm sút đáng báo động ở Việt Nam, diện tích phân bố cua hoàng đế trước năm 1975 ước trên 20.000 km2 nay chỉ còn khoảng 10.000 km2.

Từ năm 2009, cua hoàng đế bắt đầu được thu thập và lưu giữ tại Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Trung theo nhiệm vụ: “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gien và giống các loài thủy sản lợ, mặn”. Tiếp đó, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã thuần dưỡng thành công và có khả năng tái thành thục trong điều kiện nhân tạo. Từ năm 2010 – 2011, nhóm nghiên cứu đã bắt đầu thăm dò khả năng sinh sản nhân tạo, thực hiện rất nhiều đợt cho sinh sản và ương nuôi ấu trùng nhưng kết quả chỉ dừng lại ở giai đoạn ấu trùng Zoea 1 – Zoea 8.

Sau đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã duyệt kinh phí cho thực hiện đề tài “Khai thác phát triển nguồn gen cua hoàng đế Ranina ranina, Linnaeus 1758” do Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy làm chủ nhiệm. Đến tháng 9/2012, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc ương nuôi ấu trùng đến giai đoạn cua con sau 40 – 60 ngày ương. 

Theo đề tài nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, cua hoàng đế phân bố tại vùng biển Khánh Hòa tham gia sinh sản có chiều dài nhỏ nhất cua cái khi mang trứng là 67 mm. Tuyến sinh dục trải qua 5 giai đoạn phát triển. Mùa vụ sinh sản chính của cua hoàng đế từ tháng 2 – 6, tập trung cao nhất từ tháng 3 – 5 hàng năm với tỷ lệ cua cái ở giai đoạn IV và V (trứng thành thục) chiếm tỷ lệ lên đến 90% và mùa sinh sản phụ trong khoảng thời gian tháng 9 – 10. Cua đực có đến hơn 70% cá thể có tinh sào ở giai đoạn chín quanh năm.

>> Sức sinh sản thực tế cua hoàng đế dao động 12.100 – 119.700 trứng/lần đẻ tùy theo kích thước cua mẹ. Sau khi đẻ, trứng cua trải qua các giai đoạn phát triển phôi, tương ứng với sự biến đổi màu sắc của buồng trứng từ vàng nhạt, cam đến cam đậm, nâu hoặc xám, đường kính trứng 0,62 – 0,73 mm.

Nguyễn Nhung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!