Giải pháp để giảm chi phí đầu tư không phải là cắt giảm khẩu phần ăn, giảm đầu tư các trang thiết bị phụ trợ mà cần có giải pháp kết hợp đồng bộ: thả nuôi mật độ phù hợp với sức đầu tư, khả năng về kỹ thuật; quản lý tốt môi trường ao nuôi, thức ăn…
Kiểm soát thức ăn
Thức ăn cho tôm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chi phí giá thành sản xuất (chiếm khoảng 50 – 60%). Lượng thức ăn thất thoát trong nước và trong bùn khoảng trên dưới 20%. Lượng thức ăn dư này phân hủy tạo nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh và đáy ao dơ do các chất cặn bã tích tụ. Các chất này sẽ làm tiêu tốn ôxy và sinh ra nhiều khí độc như: NH3, H2S… Tôm nuôi thường có những biểu hiện như nổi đầu, giảm ăn, đen mang, sắc tố xấu, ốp thân… Lúc này là cơ hội để bệnh tôm xuất hiện do mật độ vi khuẩn có hại phát triển.
Hệ số chuyển đổi thức ăn phụ thuộc: chất lượng, môi trường và kinh nghiệm quản lý thức ăn… Thời gian tôm sử dụng hết thức ăn thường là sau 2 – 3,5 giờ. Do đó, có thể cho tôm ăn làm nhiều lần trong ngày (4 – 5 lần), lượng cho ăn chỉ chiếm 80% so với sức ăn của tôm trong ngày. Tôm sẽ ăn nhiều vào những lúc mặt trời mọc và lặn, vì vậy chỉ nên cho tôm ăn phần nhiều vào ban ngày và giảm cho ăn vào ban đêm. Khi tôm đang thời kỳ lột vỏ, thời tiết lạnh, mưa, nắng gắt hoặc môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột nên giảm lượng thức ăn.
Việc điều chỉnh thức ăn qua sàng ăn (vó, nhá) là giải pháp cơ bản, độ chính xác tương đối, quan trọng là phải xem khả năng hoạt động, tình trạng sức khỏe của tôm, mức độ sử dụng thức ăn, màu nước…
Mật độ thả nuôi
Thả nuôi mật độ thưa kết hợp đầu tư đúng, đủ các trang thiết bị phụ trợ như quạt nước, ôxy đáy (nếu có) đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan trong ao > 4 mg/lít đối với tôm sú và > 5 mg/lít đối với TTCT. Thực hiện công tác phòng ngừa ngay từ khâu cải tạo ao và trong suốt quá trình nuôi. Việc tạo và giữ hệ phiêu sinh thực vật hợp lý trong ao nuôi là khâu hết sức quan trọng: tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, tạo ra ôxy cho ao nuôi, ngăn cản sự phát triển của tảo đáy và làm cho môi trường nước ít trong, ít biến động, hạn chế được tôm bị sốc, tăng tỷ lệ sống, tạo điều kiện để tôm nuôi tăng khả năng bắt mồi, phát triển nhanh.
Sử dụng thuốc, hóa chất
Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học là chi phí chiếm tương đối lớn trong vụ nuôi (20 – 30%). Để tiết kiệm chi phí này phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến ao nuôi từ đó có kế hoạch sử dụng thuốc, hóa chất đúng lúc, đúng liều, luôn tạo môi trường ao nuôi an toàn, bền vững đảm bảo cho những vụ sản xuất tiếp theo có cơ hội thành công.
>> Theo ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bạc Liêu: Giải pháp để giảm chi phí đầu tư không phải là cắt giảm khẩu phần ăn, giảm đầu tư các trang thiết bị phụ trợ mà cần có giải pháp kết hợp đồng bộ: thả nuôi mật độ phù hợp với sức đầu tư, khả năng về kỹ thuật; quản lý tốt môi trường ao nuôi, thức ăn… |