Lịch sử lai tạo và chọn giống cá rô phi

Chưa có đánh giá về bài viết

Công tác chọn giống cá rô phi của nước ta được thực hiện liên tục, tích hợp các đàn cá tốt từ năm 1998. Đến nay, chất lượng giống cá rô phi của Việt Nam khá tốt, cá nuôi đạt trọng lượng 700 – 800 g/con sau 5 – 6 tháng nuôi, tỷ lệ fillet cao.

vụ nuôi trồng thủy sản - tổng cục thủy sản

Phát triển nhanh chóng

Chọn giống cá rô phi tiến hành lần đầu tiên ở Việt Nam năm 1998 tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I trong môi trường nuôi nước ngọt theo tính trạng tăng trưởng và chịu lạnh. Đến năm 2006, chọn giống cá rô phi trong môi trường nước lợ, mặn cũng được thực hiện. Đến nay, qua nhiều thế hệ chọn lọc, cá rô phi chọn giống của Việt Nam có chất lượng tốt, phát triển theo nhiều hướng ưu thế khác nhau phù hợp với điều kiện nuôi của nhiều môi trường như giống cá rô phi chịu lạnh, chịu mặn, đơn tính, đa bội thể… được phát tán nuôi rộng rãi, góp phần quan trọng trong phát triển nuôi cá rô phi các vùng nước ngọt, lợ của nước ta hiện nay.

Ngày nay, công nghệ di truyền phân tử đã được ứng dụng hỗ trợ cho phương pháp chọn giống truyền thống ở cá rô phi. Nghiên cứu di truyền phân tử ở cá rô phi nuôi trong điều kiện nước lợ, mặn được tiến hành từ năm 2006 đến nay đã đánh giá biến dị vật liệu chọn giống bằng chỉ thị microsatellite và chỉ thị phân tử liên quan đến sinh trưởng. Nghiên cứu xác định chỉ thị phân tử trợ giúp chọn giống được tiến hành phân tích vùng promoter gen prolactin của cá bố mẹ và thế hệ con của chúng được nuôi ở hai độ muối ổn định 15‰ và 20‰. Kết quả phân tích microsatellite vùng promotor gen Prl-1 ở 25 cặp cá bố mẹ và thế hệ con cho thấy tính đa hình cao, kiểu allele ở cá bố, cá mẹ và đàn con của chúng có liên kết với sinh trưởng trong môi trường nuôi nước mặn lợ.

Cá rô phi sinh sản trong nuôi nước lợ có độ muối 15‰, cá chọn giống được đánh giá về sinh trưởng và tỷ lệ sống trong các điều kiện nuôi nước lợ 15 – 20‰. Phân tích di truyền cho kết quả về hệ số di truyền cao (0,64) đối với tính trạng khối lượng. Kết quả phân tích cho thấy có sai khác ý nghĩa (P < 0,05) về khối lượng của cá ở quần đàn chọn lọc so với đối chứng. Hiệu quả chọn lọc nâng cao khối lượng ước tính mỗi thế hệ dao động 11,2 – 24,6%.

Sản xuất cá giống rô phi đơn tính bằng 17α Methyltestosterone cũng đã được nghiên cứu và sản xuất thành công và phổ biến ở nhiều viện nghiên cứu và trung tâm sản xuất giống ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các chỉ tiêu đạt sinh sản khá cao như tỷ lệ thành thục của cá bố mẹ trên 80%, tỷ lệ ấp nở thành cá bột trên 75%, tỷ lệ sống của cá bột đến giai đoạn 21 ngày tuổi trên 75%, tỷ lệ đực trên 95%.

lai tạo và chọn giống cá rô phi

Giống cá rô phi chất lượng phục vụ xuất khẩu còn ít – Ảnh: Huy Hùng

Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động trong công nghệ sản xuất cá rô phi đơn tính đực bằng phương pháp lai khác loài đạt 95% trở lên cá đực. Cá rô phi đơn tính đực được sản xuất bằng phương pháp lai khác loài có thể cạnh tranh được so các loại cá rô phi đơn tính đực sản xuất bằng phương pháp hormone, đưa ra thị trường sản phẩm mới được người tiêu dùng chấp nhận.

Ngày nay, ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản như tạo đa bội thể trên một số đối tượng đã thành công, mở ra một hướng nghiên cứu mới. Hơn nữa, thể đa bội còn thể hiện được những lợi thế như sự tăng trưởng nhanh, tính bất thụ cũng như khả năng chịu đựng môi trường sống khắc nghiệt, khả năng kháng bệnh tốt. Nghiên cứu tạo đa bội thể trên cá rô phi ở Việt Nam đã được tiến hành; tỷ lệ đa bội trung bình cao nhất là 28,9% ở công thức thí nghiệm sốc nhiệt nóng cho trứng 65 phút sau khi thụ tinh, nhiệt độ sốc 420C và thời lượng sốc 3 phút.

 

Còn bất cập

Bên cạnh những thành công đạt được, việc sản xuất giống cá rô phi vẫn gặp nhiều bất cập. Số lượng con giống chỉ đủ để cung cấp cho diện tích thả nuôi, xuất khẩu còn quá ít so nhu cầu. Thực tiễn sản xuất cho thấy, tỷ lệ fillet phần lớn là chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Để nuôi cá rô phi đạt trọng lượng 0,85 kg/con, phục vụ chế biến fillet xuất khẩu, cá giống của một số nước chỉ cần nuôi 4 tháng còn Việt Nam phải mất thời gian gấp đôi, không những thế, số lượng hao hụt lại lớn. Vấn đề mấu chốt quyết định đến chất lượng giống là đàn cá rô phi bố, mẹ tại các đơn vị sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của các cơ sở sản xuất giống về số lượng và chất lượng. Nhiều cơ sở phải nhập đàn cá bố mẹ từ Trung Quốc hoặc Đài Loan về để sản xuất giống. Phần đàn cá rô phi bố mẹ do cơ sở tự chọn từ đàn cá nuôi thương phẩm nên qua nhiều năm có dấu hiệu thoái hóa, dẫn đến chất lượng con giống kém, tốc độ sinh trưởng chậm.

Các tỉnh phía Bắc mới chỉ cung cấp được 50%, còn lại phải nhập khẩu từ các tỉnh phía Nam và Trung Quốc. Khắc phục một phần hạn chế này, năm 2014, Trung tâm chọn giống cá rô phi Quảng Nam (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) đã tập trung phát triển đàn cá bố mẹ có chất lượng cao đưa vào sản xuất sớm, đại trà để cung cấp kịp mùa vụ nuôi cho các tỉnh phía Bắc, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Cùng đó, cơ sở sản xuất giống cá tập trung, quy mô lớn, chất lượng tốt phục vụ nuôi thương phẩm còn ít, năng lực sản xuất giống cá rô phi của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu thời vụ, nhất là giai đoạn đầu vụ ở phía Bắc. Vì vậy, giống cá rô phi hiện nay vẫn được nhập nhiều theo đường tiểu ngạch, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng lại khá hợp thời vụ nên được nhiều người nuôi lựa chọn.

>> ThS Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Trung tâm chọn giống cá rô phi Quảng Nam cho biết, phương pháp chọn giống gia đình cá rô phi vẫn mang lại hiệu quả cao nhất. Hiện, Trung tâm đang tập trung triển khai dự án “Phát triển đàn cá rô phi bố mẹ chất lượng cao” để tạo nguồn vật liệu ban đầu cho chương trình chọn giống giai đoạn 2017 – 2020.

Gia Phong

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!