Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn của thế giới, năm 2015 xấp xỉ 3 tỷ USD, năm nay kỳ vọng 3,3 tỷ. Thị trường chất lượng cao Mỹ cũng là thị trường lớn nhất của tôm nước ta. Năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, tôm Việt Nam xuất vào Mỹ đứng hàng thứ 4 về sản lượng, thứ 5 về giá trị. Về giá trị, tôm nước ta còn cách khá xa sau hai nước đứng trên liền kề là Ecuador và Thái Lan. Điều này cho thấy, chất lượng tôm của Việt Nam chưa được như mong muốn.
Tại cuộc họp do VASEP tổ chức ngày 20/4, ở thành phố Cần Thơ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CAFATEX Nguyễn Văn Kịch đề nghị làm rõ, trong những lô tôm xuất khẩu bị trả về, bao nhiêu phần trăm do nuôi trồng, bao nhiêu do doanh nghiệp chế biến? Cục trưởng NAFIQAD Nguyễn Như Tiệp trả lời, trong quý I/2016, bị trả về 32 lô, trong đó có 10 lô nhiễm kháng sinh (do nuôi trồng), 17 lô nhiễm vi sinh (do bảo quản sau thu hoạch, sơ chế, chế biến). Như thế, cả chuỗi giá trị tôm có vấn đề.
Mấy năm gần đây, công nghệ ngành tôm ở nước ta đã có bước phát triển nhanh. Trong nuôi trồng, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nuôi siêu thâm canh. Ngày 22/4, Công ty TNHH SX&TM Trúc Anh thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi 3 tháng, đạt 35 – 50 con/kg, năng suất 150 – 200 tấn/ha/năm. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông Dương Thành Trung đánh giá cao công nghệ nuôi tôm của Trúc Anh, hy vọng nhân rộng cho bà con nông dân. Trúc Anh sáng tạo cách nuôi 2 giai đoạn, ban đầu nuôi ương 20 ngày, khi tôm giống lớn mới chuyển xuống ao nên tổn thất giống rất thấp. Trong chế biến, nhiều doanh nghiệp cũng có các quy trình kiểm soát chất lượng khá tốt.
Tuy nhiên, như ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng, nói rằng vấn đề không phải là một vài quy trình mà cần có một thị trường công nghệ. Để trong nuôi trồng, công nghệ sinh học có khả năng giải quyết mọi bệnh của con tôm, mọi vấn đề phát sinh. Thu mua, sơ chế cũng cần có nhiều công nghệ kiểm soát chất lượng. “Trong thị trường ấy, có nhiều đơn vị đua nhau làm, cạnh tranh nhau thường xuyên đưa ra các nghiên cứu mới giúp nuôi trồng và chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Phẩm nhấn mạnh.
Đáp ứng nhu cầu bức thiết ấy, Hội Nghề cá Việt Nam tiên phong tổ chức “Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ nhất năm 2016 (VietShrimp 2016)” tại tỉnh Bạc Liêu từ 24 – 26/6/2016. Tạp chí Thủy sản Việt Nam được giao trực tiếp thực hiện. Chủ đề là: “Hội tụ để phát triển ngành tôm”.
Hội chợ Triển lãm sẽ giới thiệu sản phẩm về công nghệ nuôi tôm, gắn với chuỗi hội thảo về phát triển ngành tôm. Hội thảo chủ yếu làm rõ các giải pháp công nghệ, quy trình kỹ thuật và các chính sách đảm bảo nuôi tôm bền vững, hướng các đối tác nuôi tôm phù hợp với các chỉ tiêu VietGAP, GlobalGAP.
Lần đầu tiên, thành tựu cũng như những thách thức của ngành tôm được tập trung giới thiệu, từ đó tìm các giải pháp về công nghệ, quy trình kỹ thuật, các chính sách đảm bảo nuôi tôm có trách nhiệm. Cũng là dịp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường; quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Hy vọng từ đây, mở ra một thị trường công nghệ ngành tôm hiện đại và sôi động, tương xứng với vựa tôm của thế giới, mà tỉnh Bạc Liêu kỳ vọng sẽ là “thủ phủ”.