Chúng tôi xin giới thiệu đến quý độc giả một số công nghệ sản xuất giống.
Chọn giống
Chọn giống trong thủy sản là phát hiện và giữ lại những cá thể mang đặc tính tốt đáp ứng các yêu cầu đề ra và loại thải các cá thể xấu không đạt yêu cầu, nhằm hoàn thiện giống và nâng cao năng suất vật nuôi. Chọn tạo giống là phương pháp truyền thống trong nuôi thủy sản, bắt đầu từ việc chọn giống cá chép cách đây hàng nghìn năm. Tuy nhiên, nó chỉ vừa mới được áp dụng cho một số ít các loài cá khác như cá tra, cá hồi và rô phi. Kết quả là nhiều loài thủy sản nuôi vẫn là giống tự nhiên nhưng nhờ quy trình chọn giống giúp cải thiện 5 – 20% tốc độ tăng trưởng ở mỗi thế hệ nuôi như cá trê, rô phi.
Biến đổi bộ nhiễm sắc thể
Thao tác thiết lập nhiễm sắc thể là kỹ thuật để sản xuất ra vật nuôi gọi là “tam bội”, nó có nhiễm sắc thể 3n thay vì thông thường 2n. Tam bội thường không có khả năng sinh sản mà chúng sẽ tập trung vào tăng trưởng nhằm mang lại lợi ích thương phẩm cho người nuôi. Công nghệ này đã tạo ra những giống hàu tam bội (3n) bất thụ, có tốc độ phát triển nhanh và kích thước lớn hơn so với hàu lưỡng bội (2n) ngoài tự nhiên. Từ đó, tuyến sinh dục của hàu tam bội bị thoái hóa, không phát triển nên không còn khả năng sinh sản, lúc này toàn bộ năng lượng tập trung cho sự phát triển cơ thể quanh năm, giúp người nuôi có thể bán được sản phẩm cả vào những tháng trái vụ khi hàu ngoài thiên nhiên đang vào vụ sinh sản. Ngoài ra, công nghệ này còn được ứng dụng cho các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác.
Chuyển đổi giới tính ở cá
Hiện, việc chuyển đổi giới tính ở thủy sản có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp, như xử lý bằng hoóc môn sinh dục, thông qua con siêu đực, siêu cái, kỹ thuật nhiễm sắc thể hoặc kết hợp giữa nhiều phương pháp với nhau. Việc kiểm soát giới tính và khả năng sinh sản của một số loài thủy sản có tầm quan trọng đối với thương mại và môi trường. Có trường hợp thì sản phẩm sinh dục của con cái có giá trị cao hơn rất nhiều so với giá trị thịt của đàn cá (ví dụ như trứng cá tầm, cá hồi). Hay cá rô phi đực tăng trưởng nhanh, có giá trị thịt cao hơn rô phi cái.
Lai giống
Nhờ vào sự phát triển của các kỹ thuật sinh sản nhân tạo mà lai giống trở thành công nghệ di truyền đơn giản và phổ biến. Chẳng hạn như việc sử dụng các chiết xuất từ tuyến yên và kích thích tố khác để thúc đẩy sự phát triển giao tử và kích thích sinh sản (như quá trình rụng trứng). Lai giống giúp tạo ra con giống có chất lượng tốt hơn, tăng trưởng nhanh, sức chống chịu tốt. Hiện, ở nước ta đã có một số loài cá lai cho kết quả tốt như cá rô phi lai xa dòng Israel ở Hải Dương đã mang lại hiệu quả cho người nuôi.
Kỹ thuật biến đổi gen
Kỹ thuật di truyền được hiểu là việc sản xuất các loài thủy sản biến đổi gen. Công nghệ gen ở vật nuôi có thể được sử dụng để đưa một gen lạ vào hệ gen của vật nuôi hoặc vô hiệu hóa một gen nào đó được chọn. Công nghệ này ngày càng phát triển nhanh chóng và có thể áp dụng cho các loài có họ hàng xa. Tuy nhiên, những ứng dụng này vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển; hiện các sản phẩm cá chuyển gen vẫn chưa có mặt trên thị trường.