Theo ghi nhận của nhóm phóng viên chúng tôi, sáng ngày 9/5 tại khu nuôi trồng thủy sản huyện Phú Quý đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, chủ yếu là cú mú, cá bớp và cá gáy.
Theo bà con, trước đó 1 ngày thì đã phát hiện một vài con bị chết, nhưng cứ nghĩ là do cá bị ngộp nước trong quá trình bà con làm vệ sinh cho cá. Đến khoảng 4h sáng, ngày 9/5 có 5 hộ nuôi trồng thủy sản tại đây đã phát hiện cá chết hàng loạt. Hộ có số lượng cá chết nhiều nhất là hộ ông Võ Liển và bà Trần Thị Chẩu, thôn Đông Hải xã Long Hải. Vợ chồng ông nuôi 6.000 con cá mú cọp, nhưng đã bị chết hơn 4.000 con, ước tổng thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Còn hộ bà Nguyễn Thị Nhơn có số lượng cá chết trên 1.500 con, chủ yếu là cá mú đỏ và cá mú cọp, cá chết ở giai đoạn sinh trưởng là cá giống và cá thịt chuẩn bị thu hoạch (mỗi con có trọng lượng từ 7 – 9 gram). Chứng kiến cảnh cá phơi bụng trắng lồng, nhiều chủ hộ không cầm được nước mắt.
Tình trạng cá chết xảy ra tại 5 hộ nuôi trồng thủy sản ước tính khoảng 7.200 con, tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. 5 cơ sở này đều nằm trong cùng 1 khu vực, đây là khu vực có rạn san hô vây quanh, nước tù, không thông thoáng.
Nguyên nhân ban đầu, bà con đều khẳng định do tảo biển thải chất độc ra làm nguồn nước bị ô nhiễm nên dẫn đến tình trạng cá chết. Tại thời điểm cá chết, nước có mùi hôi thối nồng nặc và nước rất đục.
Được biết, trước đó vào ngày 25/4 tại khu vực này có 2 cơ sở là hộ Võ Đẫn và Trương Thị Vinh, 700 con cá mú đỏ bị chết đột ngột, tổn thất khoảng 400 triệu đồng. Theo thống kê Trạm khuyến ngư Phú Quý, đây là lần thứ ba trong năm xảy ra hiện tượng này. Hiện các cơ sở có lồng bè nằm trong vùng nước bị ô nhiễm đã di chuyển lồng bè ra khơi xa nhằm đảm bảo cho số lượng cá còn lại.