Nan giải quản lý chất lượng

Chưa có đánh giá về bài viết

Con giống quyết định đến khoảng 50% thành công vụ nuôi, tuy nhiên, theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thì sản xuất giống thủy sản là điểm hạn chế lớn của ngành nuôi trồng thủy sản trong năm 2015.

phối hợp với vụ nuôi trồng thủy sản - tổng cục thủy sản

Chất lượng thấp

Mặc dù ngành nuôi trồng thủy sản đã chủ động nghiên cứu công nghệ sản xuất giống hầu hết các đối tượng nuôi như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cá tra, rô phi, cá giò, chim vây vàng…; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chọn tạo đàn giống bố mẹ có tính tăng trưởng nhanh đối với cá tra, cá rô phi, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá chép… tuy nhiên, ở một số địa phương, các giống thủy sản chất lượng cao phục vụ nuôi thương phẩm chỉ đáp ứng được số lượng thấp, thậm chí chỉ 40 – 50% nhu cầu thực tế. Số còn lại các hộ nuôi phải mua giống trôi nổi, rất khó kiểm soát chất lượng, nguy cơ dịch bệnh cao, ảnh hưởng đến năng suất cá thương phẩm.

Cùng đó, vẫn còn nhiều hộ sản xuất giống chưa đồng bộ, không đúng quy trình kỹ thuật. Thậm chí, có tình trạng sử dụng cá bố mẹ chỉ đạt 0,8 kg/con trong khi tiêu chuẩn là 1 – 1,2 kg/con. Nhiều cơ sở tư nhân khai thác cá bố mẹ vượt quá thời gian quy định, dẫn đến chất lượng con giống thấp. Theo Chi cục Thủy sản Bắc Giang, nhiều hộ sản xuất cá giống chưa có hệ thống bể nuôi riêng cá bố mẹ, bể đẻ, bể ấp, ương nuôi cá con nên cá bố mẹ phải thả chung đàn, mật độ dày dẫn đến tình trạng cá bị lai cận huyết, dị hình.

nan giải quản lý chất lượng thủy sản giống

Khó kiểm soát chất lượng tôm giống –  Ảnh: Thanh Nhã

Mặt khác, giá cả con giống sản xuất được khó cạnh tranh thị trường đang là một bất cập lớn. Trong khi, một số hộ nuôi nhỏ lẻ chưa nhận thức tầm quan trọng của chất lượng con giống, chưa quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc giống mà họ thả nuôi… từ đó bắt giống trôi nổi, rẻ tiền và không qua kiểm dịch. Như một lượng lớn nghêu giống có giá rẻ hơn được nhập lậu từ Đài Loan, Trung Quốc không được kiểm soát, kiểm dịch, đánh giá; dẫn đến nghêu sinh trưởng chậm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư của một số hộ nuôi…

 

Khó kiểm soát

Vấn đề kiểm soát chất lượng con giống trên thực tế các cơ quan chức năng cũng như nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo việc siết chặt quy hoạch các trại giống trên toàn quốc, song song đó là thực hiện chủ trương tập trung xây dựng hệ thống trại giống quốc gia làm nòng cốt, đóng vai trò chủ đạo trong việc thuần chủng, cung cấp tôm giống cho các trại giống thành viên và người nuôi. Nhưng đến nay, những kỳ vọng đó chưa được thực hiện tốt. Bên cạnh những cơ sở chấp hành tốt các quy định về điều kiện cơ sở sản xuất, kiểm dịch và kiểm tra chất lượng, vẫn còn có những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, luôn thay đổi địa điểm, thay đổi tên công ty thu gom giống trôi nổi, không đảm bảo chất lượng để cung cấp cho người nuôi. 

Do phát triển tự phát, không theo quy hoạch nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là chất lượng cá tra giống, qua nhiều đợt kiểm tra, cơ quan chuyên môn phát hiện nhiều cơ sở sản xuất sử dụng cá bố mẹ đưa vào sinh sản được tuyển chọn từ cá thương phẩm, bị cận huyết để sản xuất dẫn đến chất lượng con giống không đảm bảo, đề kháng kém. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý giống thủy sản dẫn đến các cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành. Công tác quản lý kiểm dịch tôm giống còn chồng chéo, chưa đồng bộ, nhất là các cơ quan chuyên trách cấp tỉnh, dẫn đến hiệu quả quản lý còn thấp. Sự phối hợp giữa địa phương và cơ quan chức năng chưa chặt chẽ trong khâu phân cấp quản lý giống dẫn đến bỏ sót nhiều trường hợp…

Để khắc phục những khó khăn trên, cần tiếp tục thực hiện quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản. Cùng đó, xây dựng các quy chuẩn quốc gia về chất lượng cho một số đối tượng giống chủ lực như: tôm nước lợ, cá rô phi, cá tra và nhuyễn thể cho phù hợp với thực tế phát triển. Xây dựng hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản hiện đại, đồng bộ, đảm bảo cung cấp đủ giống tốt, sạch bệnh cho nuôi trồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản, huy động các nguồn lực và phát huy lợi thế của vùng, địa phương.

>> Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, trong tháng 4/2016, toàn tỉnh xét nghiệm trên 3.575 mẫu tôm, có đến 766/1.978 mẫu bị nhiễm bệnh; 45/247 mẫu nhiễm bệnh hoại tử gan tụy và 19 mẫu nước nhiễm khuẩn phải xử lý.

Gia Phong

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!