Thị trường nông nghiệp vẫn rộng mở

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù được dự báo có nhiều khó khăn, tuy nhiên, theo nhận định chung, xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam vẫn có rất nhiều “cửa” nếu biết tận dụng hội nhập cũng như các mối liên kết ngành.

Cánh cửa hẹp

Năm qua, tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, phần lớn giá cả nguyên nhiên vật liệu đều trong vòng xoáy giảm giá, diễn biến khó lường của thị trường tiền tệ đã tác động mạnh đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nước ngày càng tăng cường sử dụng các rào cản kỹ thuật nhằm bảo hộ sản xuất trong nước đã khiến sản lượng và giá cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam suy giảm. Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (IPSARD) chia sẻ, nhìn lại mấy năm gần đây cho thấy, giá nội địa nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trong xu hướng giảm khiến giảm động lực sản xuất. Trong bối cảnh đó, hạn hán và xâm mặn gây thiệt hại nặng cho nông nghiệp. Tính đến cuối tháng 5/2016, hạn hán và xâm mặn khiến sản lượng lúa đông xuân tại ĐBSCL giảm 1,13 triệu tấn, tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14%…

Nhận định về những giải pháp cho ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD chia sẻ, năm 2016, ngành nông nghiệp Việt Nam cần nỗ lực khắc phục và chống lại tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn. Từ nay đến cuối năm cần chỉ đạo sản xuất kịp thời để bù đắp thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn từ đầu năm gây ra. Trong ngắn hạn, cần bám sát các dự báo về nhu cầu thị trường thế giới để điều chỉnh nguồn cung sản phẩm cho phù hợp. Trung và dài hạn cần phải tái cơ cấu ngành hàng, trong đó, đưa thêm các nhân tố mới vào sản xuất, tạo cơ chế phù hợp để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

Thị trường nông nghiệp vẫn rộng mở

Các sản phẩm nông sản cần nâng cao chất lượng để cạnh tranh khi hội nhập – Ảnh: Lê Bảo Yến

Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước tiếp tục phát triển kinh doanh với các đối tác truyền thống có nhu cầu tăng trở lại nhưng đồng thời mở rộng các thị trường tiềm năng như: lúa gạo (thị trường châu Phi và EU), cà phê (Anh, Ba Lan, Hà Lan…) và một số nước Mỹ Latinh với mặt hàng thủy sản… Cùng đó, thắt chặt quản lý tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại đối với các sản phẩm chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, quản lý chặt vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng đầu ra.  

Về vấn đề hội nhập, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế, Văn phòng Quốc hội Lê Văn Bình cho rằng, khi hội nhập Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội nhưng cũng là những thách thức không nhỏ cả trong thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành nhất là những lĩnh vực chủ lực của nông nghiệp như lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản; cùng đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao lợi thế cho xuất khẩu, cạnh tranh trên thị trường.

 

Thủy sản nhanh chân

Thủy sản được coi là điểm sáng trong những tháng đầu năm 2016 so với các mặt hàng nông nghiệp; với hai sản phẩm chủ lực có kim ngạch xuất khẩu cao là tôm và cá tra. Đây cũng là nhóm hàng được nhận định là có sự tăng trưởng ổn định trong tương lai gần; nhất là khi nhiều hiệp định thương mại được thực thi. Cùng với đó, Chính phủ cũng dành nhiều chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thủy sản như Nghị quyết 19, 02… Năm 2016, thủy sản đặt mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 7 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2015.

Theo TS Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, những năm qua, ngành nuôi trồng và khai thác thủy sản tồn tại nhiều thách thức về dịch bệnh (một trong những yếu tố ảnh hưởng nhất đến tính bền vững trong nuôi trồng), ô nhiễm môi trường, vấn đề khai thác trái phép, hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng được sự phát triển, cạnh tranh thị trường, biến đổi khí hậu… Theo đó, giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản là cần rà soát lại quy hoạch (với tôm là vấn đề nuôi thâm canh và tôm – lúa), đầu tư thủy lợi cho thủy sản, tổ chức lại sản xuất và áp dụng khoa học công nghệ. Cùng đó, trong khai thác thủy sản cần nâng cấp cảng cá, khu neo đậu, đưa ra hạn mức đánh bắt nhất là khu vực gần bờ và có sự chuyển đổi nghề phù hợp vùng miền cùng những chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản. Tiếp đó, cần xây dựng được quỹ phát triển thị trường từ nguồn đóng góp của các ngành hàng để có thêm nguồn vốn đầu tư ngoài nguồn vốn của nhà nước và các doanh nghiệp như trước đây.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết, Chính phủ và Bộ NN&PTNT cần có các chương trình cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về tôm sạch (không kháng sinh); đầu tư nghiên cứu mô hình nuôi tôm bền vững để ổn định và tăng trưởng sản lượng phù hợp với điều kiện môi trường ngày càng khắc nghiệt; rà soát cấp phép và kiểm soát giá và chất lượng vật tư cung cấp cho sản xuất…

>> Ông Andrew Shepherd, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, cho rằngđể ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển hơn nữa cần có chính sách của Nhà nước về thu hút đầu tư tư nhân trong việc ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu phát triển, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!