Nghề nuôi tôm nước lợ xuất hiện ở nước ta rất sớm và nhanh chóng trở thành ngành hàng quan trọng; đến nay, nghề nuôi tôm có sự phát triển mạnh mẽ với mức độ thâm canh ngày càng cao, cùng đó, giá trị xuất khẩu tăng trưởng mạnh, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch của cả ngành thủy sản.
Hiện trạng
Năm 2015, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt 680.000 ha, đạt tổng sản lượng 600.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 3 tỷ USD. Riêng tại vùng ĐBSCL, diện tích nuôi tôm là 621.000 ha, chiếm 91,2% tổng diện tích nuôi cả nước (trong đó, diện tích nuôi tôm sú là 554.392 ha; tôm thẻ chân trắng là 66.428 ha); sản lượng tôm đạt 484.000 tấn, chiếm 81% tổng sản lượng tôm của cả nước. Hiện nay, diện tích nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh chủ yếu là tôm chân trắng (90.704 ha), trong khi diện tích nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến chủ yếu là tôm sú (542.764 ha).
Về tình hình cung ứng con giống, hiện cả nước có 1.750 cơ sở sản xuất giống trong đó, có 1.240 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 510 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng. Tổng công suất/nhu cầu giống hàng năm là 130 tỷ con (khoảng 30 tỷ tôm sú và 100 tỷ tôm thẻ chân trắng). 100% số tôm thẻ chân trắng bố mẹ hiện vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài (khoảng 190 – 270 nghìn con/năm).
Về nhu cầu thị trường, năm 2015 giá tôm thấp hơn năm 2014 do sản lượng sụt giảm. Sang năm 2016, dự báo sản lượng tôm có sự phục hồi sau dịch bệnh EMS nhưng tăng trưởng chậm. Mặt khác, sản lượng tôm nuôi của các quốc gia lớn (như Ecuador, Ấn Độ…) có thể giảm do người nuôi giảm mật độ vì lo ngại dịch bệnh EMS. Ngoài ra, nhu cầu tôm đông lạnh vẫn ổn định và có thể tăng do nền kinh tế đang hồi phục. Về lâu dài, tôm vẫn là sản phẩm được thị trường ưa chuộng; các hiệp định FTA và TPP đang gỡ bỏ hàng rào thuế quan; giá các sản phẩm tôm sinh thái, tôm nuôi quảng canh luôn cao hơn so với tôm nuôi công nghiệp là cơ hội tốt cho ngành tôm nước ta.
Hiện cả nước có 1.750 cơ sở sản xuất tôm giống – Ảnh: Minh Triết
Những thuận lợi và khó khăn
Thuận lợi
Tiềm năng diện tích và điều kiện tự nhiên phù hợp là cơ sở quan trọng để phát triển sản xuất, nâng cao sản lượng tôm nuôi trong cả nước cũng như tại vùng ĐBSCL. Các mô hình nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thâm canh có thể được thực hiện nhiều vụ trong năm; diện tích canh tác nuôi mặn lợ khá lớn, các mô hình nuôi đa dạng, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn mô hình nuôi phù hợp.
Ngoài ra, sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước và chính quyền địa phương đang tạo điều kiện tốt cho người nuôi phát triển sản xuất. Các văn bản pháp luật, quy hoạch, chương trình, đề án đã có những hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành tôm bền vững và hiệu quả. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của cơ sở sản xuất, trình độ chuyên môn kỹ thuật của người nuôi đã được nâng cao thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền. Các hiệp hội, hợp tác xã đang phát triển cả về cơ cấu tổ chức và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy sự gắn kết giữa người nuôi với nhau, với các khâu của chuỗi giá trị như cung ứng vật tư đầu vào, thu gom chế biến, tiêu thụ và với các cấp, ngành. Quy hoạch vùng nuôi tôm nước lợ đã được Trung ương và địa phương quan tâm thông qua các hoạt động đầu tư hạ tầng, phát triển vùng nuôi tập trung. Cùng với đó là những lợi thế từ hội nhập quốc tế, tự do thương mại, tiếp cận các công nghệ mới…
Khó khăn
Hiện nay, ngành tôm Việt Nam chưa hoàn toàn chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng (vẫn phải lệ thuộc nhập khẩu/khai thác tự nhiên); tình trạng lạm dụng thuốc/hóa chất còn diễn ra dẫn đến sự quan ngại của người tiêu dùng; người nuôi còn thiếu sự liên kết/hợp tác, thiếu thông tin thị trường nên vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi, hiệu quả sản xuất chưa cao; nguyên liệu sản xuất thuốc, thức ăn phụ thuộc nhập khẩu, khó kiểm soát giá cả và chất lượng; hạ tầng thủy lợi nhiều nơi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, thoát nước chưa đảm bảo gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh; khả năng áp dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm, đặc biệt là đối với vùng nuôi quảng canh còn yếu dẫn đến năng suất rất thấp.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng đang có những tác động lớn đối với nghề nuôi tôm nước ta. Tại ĐBSCL, tình hình hạn, mặn năm 2016 đã diễn ra khốc liệt. Do độ mặn tăng cao, tôm chậm lớn, dễ bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tại 8 tỉnh ĐBSCL đã vượt 82.000 ha; nhiều vùng nuôi tôm – lúa (158.000 ha) có khả năng bị chậm thời vụ; Cùng đó, nhiều vùng nuôi không có hệ thống thủy lợi chủ động phải chậm thả giống, có thể làm sản lượng và thu nhập của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Giải pháp
Con tôm là đối tượng nuôi chủ lực trong nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ven biển, là tiềm năng, thế mạnh của ngành thủy sản. Để phát huy lợi thế, cần triển khai thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Về khoa học công nghệ: Cần quan tâm nâng cao chất lượng giống, chương trình chọn tạo giống theo tính trạng tăng trưởng và kháng bệnh cho hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến); tăng trưởng và sạch bệnh cho hình thức nuôi thâm canh/bán thâm canh. Ngoài ra, cần phát triển các công nghệ hay giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện môi trường như Bioflocs, nuôi hai giai đoạn/đa chu kỳ, đào ao, ương gièo, nuôi trong nhà bạt, sử dụng chế phẩm vi sinh học…
Về phát triển thị trường: Xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm chính. Phát triển các sản phẩm chế biến, giá trị gia tăng. Áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận có uy tín gắn với các chương trình quảng bá sản phẩm. Cùng đó, thực hiện hiệu quả chuỗi giá trị thị trường (cung ứng, sản xuất, nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, thương mại, tiêu thụ), lấy doanh nghiệp làm động lực.
Về tổ chức sản xuất và cơ chế chính sách: Cần tăng cường kiểm soát điều kiện nuôi, quản lý tốt chất lượng, giá vật tư đầu vào, khuyến khích ứng dụng GAP; thực hiện quan trắc môi trường, dịch bệnh và cảnh báo sớm tại các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, quan tâm thực hiện các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, hỗ trợ các hộ quy mô nhỏ, tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị.
Hiện nay, Tổng cục Thủy sản đang đề xuất xây dựng Chương trình phát triển tôm nước lợ vùng ĐBSCL, trọng tâm là vùng nuôi tôm quảng canh/quảng canh cải tiến với các nội dung như: Chọn tạo, gia hóa tôm giống sạch bệnh, kháng bệnh; Rà soát quy hoạch và đầu tư hạ tầng thủy lợi phù hợp; Các giải pháp công nghệ cải thiện năng suất, sản lượng: trồng cây trong đầm tôm, gièo giống, sử dụng chế phẩm sinh học; Tổ chức lại sản xuất: hợp tác các hộ nhỏ lẻ, dồn diền, đổi thửa để tạo vùng nuôi lớn; liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; Phát triển thương hiệu, thị trường cho các sản phẩm; chính sách hỗ trợ về đầu tư, ưu đãi vốn, tín dụng, bảo hiểm.
>> Các cột mốc đáng nhớ về tôm Việt Nam Năm 2007: Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 2,1 triệu tấn, lần đầu tiên sản lượng nuôi trồng vượt sản lượng đánh bắt thủy sản. Năm 2008: Sau một thời gian có mặt tại Việt Nam, tôm thẻ chân trắng được Bộ NN&PTNT cho phép nuôi đại trà tại ĐBSCL nhằm đa dạng hóa đối tượng thủy sản xuất khẩu. Chỉ sau một thời gian, tôm thẻ chân trắng được nhiều người nông dân lựa chọn nuôi, theo đó, diện tích, sản lượng đã tăng nhanh chóng. Năm 2011 – 2012: Trước tình hình dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, kéo dài, Bộ NN&PTNT xác định việc tìm nguyên nhân gây bệnh và giải pháp phòng trị là nhiệm vụ cấp bách. Theo đó, đã phát hiện hội chứng hoại tử gan tụy đặc trưng ở ngay giai đoạn tôm giống, cùng hiện tượng tôm giống nhiễm vi khuẩn Vibrio với tỷ lệ khá cao, một số tôm giống đã có dấu hiệu bất thường ở gan tụy có thể giải thích tại sao tôm chết sớm trong ao nuôi, xuất hiện dịch bệnh hoại tử gan tụy ngay ở giai đoạn đầu của quá trình nuôi tôm. Năm 2013: Việt Nam khắc phục thành công suy gan tụy cấp trên tôm, tình hình nuôi tôm được phục hồi, sản lượng cao, giá tốt. |