(Thủy sản Việt Nam) – Từ những năm 2000 của thập kỷ trước, khai thác thủy sản đã được xác định là ngành kinh tế khai thác tài nguyên làm giàu cho đất nước và gắn với việc bảo vệ chủ quyền, an ninh trên vùng biển, đảo của Tổ quốc. Ngành khai thác thủy sản đang ngày càng khẳng định được thế mạnh của mình.
Kết quả năm 2011
Năm 2011, tổng sản lượng khai thác thủy sản cả nước đạt khoảng 2.502,5 nghìn tấn (tăng 103,6% so với năm 2010), trong đó khai thác hải sản đạt 2,3 triệu tấn, tăng 3,6%, khai thác thuỷ sản nội địa 202,5 nghìn tấn, tăng 4,2%. Riêng cá ngừ đại dương đạt 10,5 nghìn tấn, tăng 12,5%, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt hơn 6 tỷ USD.
Những con số ấn tượng trên đã đưa ngành thủy sản Việt Nam gia nhập nhóm 20 nước có sản lượng khai thác thủy sản lớn nhất trong những năm qua và vươn lên đứng hàng thứ 6 về xuất khẩu thủy sản, trở thành một trong 10 nước có quy mô xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu ngư dân ven biển.
Đánh bắt cá cơm ở Phú Quốc Ảnh: Huy Hùng
Những vấn đề tồn tại
Bên cạnh những kết quả đạt được, khai thác thủy sản còn tồn tại nhiều vấn đề như cơ cấu đội tàu chưa hợp lý, loại tàu nhỏ từ 50 CV trở xuống còn chiếm hơn 70%, số tàu này chủ yếu khai thác ở vùng biển ven bờ, dẫn đến nguồn lợi thủy sản bị khai thác quá mức cho phép từ 12-15%, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao; cần hạn chế đóng mới, tiến tới loại bỏ loại tàu có công suất dưới 35 CV hành nghề lưới kéo ven bờ. Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã nghề cá, các tổ đội sản xuất đầu tư đóng các tàu cỡ lớn loại 300-600 CV để có điều kiện cạnh tranh trên các ngư trường ngoài khơi và các khu khai thác chung.
Thực tế trong thời gian qua đã có một số tàu khai thác xa bờ muốn chuyển nghề vì chi phí lớn, rủi ro nhiều, sự am hiểu về ngư trường, luật pháp có hạn, nhiều tàu bị nước ngoài bắt giữ, trong khi giá cả vật tư, nhiên liệu ngày một leo thang nên sản xuất thu không đủ bù chi.
Những vấn đề bất cập trong thời gian qua đòi hỏi Nhà nước và cộng đồng dân cư ven biển phải chung tay, góp sức đầu tư đồng bộ cho nghề khai thác thuỷ sản ở nước ta.
Năm 2011, tổng sản lượng khai thác hải sản đạt trên 2,3 triệu tấn
Giải pháp trong thời gian tới
Một điều rất thuận lợi cho nghề cá là vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Tiếp đó, ngày 16/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1690/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020 và hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ví như Nhà nước đã cho cộng đồng ngư dân chiếc “cần câu” để vươn ra biển lớn.
Tuy nhiên, để những quyết định đó đi vào cuộc sống và đạt kết quả cần tập trung vào các giải pháp như: tổ chức lại sản xuất nghề cá trên các ngư trường trọng điểm thông qua việc thành lập các hợp tác xã đánh cá, các tổ, đội sản xuất, tiến tới thành lập các tập đoàn đánh cá với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước đủ mạnh để có khả năng tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Có một số xí nghiệp công ích với phương thức tàu mẹ, tàu con để dịch vụ hậu cần cũng tổ chức thu mua trên biển hoặc trên các tuyến đảo để giảm bớt thời gian đi lại và chi phí cho tàu. Tổ chức các chợ bán đấu giá sản phẩm để giảm bớt sự ép giá của các tư thương, đầu nậu; đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý cũng như cán bộ, thuyền viên trên tàu, có chính sách miễn giảm học phí và cơ chế cử tuyển đối với những người theo học các các cơ sở đào tạo thủy sản; đầu tư tàu nghiên cứu hiện đại và định kỳ có các chương trình điều tra nghiên cứu nguồn lợi và môi trường biển, ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thám để dự báo ngư trường khai thác cũng như diễn biến thời tiết cho ngư dân ven biển. Có hệ thống thống kê nghề cá hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương, quy định nhất thiết các tàu phải ghi nhật ký đánh bắt và có sự xác nhận của các đơn vị uỷ quyền mới được hưởng chế độ đối với những tàu khai thác hải sản xa bờ; du nhập những công nghệ khai thác tiên tiến cũng như quản lý nghề cá theo hướng hiện đại. Đồng thời, có cơ chế bảo hiểm ưu đã đối với thân tàu, thuyền viên, và những rủi ro khi tàu hoạt động trên biển.
Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hậu cần dịch vụ cho nghề khai thác thủy sản nhằm thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, sẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
>> Tính đến ngày 15/12/2011, có 4.959 tàu cá thuộc 18/28 tỉnh, thành phố đăng ký tham gia khai thác hải sản ở vùng biển xa; Bộ Tài chính đã tạm ứng kinh phí cho các địa phương trong năm 2011 là 360 tỷ đồng; 6 tỉnh lắp đặt xong trạm bờ; 63 máy thông tin HF tích hợp GPS được lắp đặt.
– Tính đến 15/12/2011, tổng số tàu cá trong toàn ngành thủy sản là 128.847 chiếc (tăng 1.000 chiếc so với năm 2010); đã đăng kiểm được 63.224 tàu trên tổng số 64.445 chiếc thuộc diện đăng kiểm, bằng 98,1%; tai nạn tàu cá trên biển giảm 78 vụ so với năm 2010 (546 vụ).
TS. Vũ Huy Thủ
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Khai thác & BVNL