(TSVN) – 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh Kiên Giang tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước do một số loài thủy sản bắt đầu vào mùa thu hoạch.
Theo Cục Thống kê Kiên Giang, giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh 2010) tháng 4/2025 ước đạt 2.790,48 tỷ đồng, tăng 15% so tháng trước và tăng 2,66% so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, giá trị sản xuất thủy sản ước tính 9.249,26 tỷ đồng, đạt 25,88% kế hoạch năm, tăng 3,09% so cùng kỳ năm trước.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/4/2025, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 139.408 ha, tăng 5,29% (7.001 ha) so cùng kỳ năm trước. Diện tích thả nuôi thủy sản tăng là do người dân mở rộng diện tích nuôi cá ở Châu Thành, Giồng Riềng, tôm sú ở An Minh, TTCT ở Kiên Lương, Giang Thành, tôm càng xanh ở Vĩnh Thuận, U Minh Thượng. Trong đó: tôm 112.451 ha, tăng 5,4% so cùng kỳ (tôm sú 95.205 ha, tôm thẻ chân trắng 3.755 ha, tôm càng xanh 13.491 ha); cá 8.131 ha, tăng 3,25% (256 ha) so cùng kỳ năm trước; thủy sản khác 18.826 ha, tăng 5,49% (980 ha) so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 4/2025 ước đạt 27.095 tấn, tăng 12,12% so tháng trước và tăng 3,57% so cùng kỳ năm trước. Do một số loài thủy sản bắt đầu vào mùa thu hoạch nên sản lượng tăng như sò huyết, tôm, cua,… đồng thời các chính sách tập trung phát triển kinh tế biển đã thu hút nhiều nhà đầu tư nuôi trồng lồng bè cá trên biển ở quy mô lớn như cá bớp, cá mú và các loài nhuyễn thể ven biển. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 87.432 tấn, đạt 21,31% kế hoạch năm và tăng 7,2% so cùng kỳ năm trước.
Đối với nuôi tôm, những tháng qua thời tiết nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao đã khiến dịch bệnh phát sinh trên tôm, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của nhiều hộ dân. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang, dịch bệnh xảy ra vào cao điểm nắng nóng mùa khô, khoảng từ đầu tháng 3/2025 đến nay. Đến nay toàn tỉnh có trên 250 ha nuôi tôm bị thiệt hại, bằng 11,4% so năm 2024. Trong đó bệnh đốm trắng 141,1 ha; bệnh hoại tử gan tụy cấp 8,34 ha; thiệt hại do các yếu tố môi trường (sốc nhiệt) 88,45 ha,…
Một số hộ có thu hoạch tôm nhưng sản lượng đạt thấp, chỉ đủ bù đắp một phần chi phí mua con giống, cải tạo ao nuôi. Phần lớn nông dân có tôm bệnh đều thiệt hại 100%, không thu hồi được vốn. Lực lượng thú y đã tiến hành cấp phát 12.720 kg hóa chất Chlorine cho 55 hộ nuôi tôm bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp để xử lý mầm bệnh.
Thanh Hiếu