(Thủy sản Việt Nam) – Năm 2011, ngư dân ngành thủy sản đối mặt với không ít sóng gió, song cùng với lãnh đạo ban, ngành, Hội Nghề cá Việt Nam luôn sát cánh cùng ngư dân vượt qua những khó khăn, thách thức. Nhìn lại chặng đường đã qua, phóng viên Thủy sản Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam.
Năm 2011, hoạt động của Hội Nghề cá đã thu nhiều thành công, song cũng không ít những khó khăn và thách thức. Ông có thể điểm lại một số dấu mốc đáng nhớ của Hội?
Năm 2011 đi qua, để lại bao dấu ấn đáng ghi nhận – một năm Hội Nghề cá đã tự khẳng định vị thế của mình, trở thành địa chỉ tin cậy, chỗ dựa tinh thần của lực lượng lao động nghề cá trong cả nước bằng những việc làm cụ thể, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con ngư dân, nhất là đối với lực lượng khai thác thủy sản trên các vùng biển đảo chủ quyền của Tổ quốc mỗi khi họ bị xâm hại đến tính mạng và tài sản… hay đối với bà con ngư dân nuôi trồng thủy sản, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung chịu thiệt hại do tổ chức WWF đưa cá tra Việt Nam vào “Danh sách đỏ”, bị các tổ chức của Mỹ và một số nước kiện chống bán phá giá… Hội Nghề cá Việt Nam cũng đã kịp thời lên án, phản đối, đấu tranh với những hành động sai trái của phía Trung Quốc và các nước trong khu vực, cũng như Tổ chức WWF châu Âu… Góp phần động viên sản xuất phát triển, đưa tổng sản lượng thủy sản năm đạt 5,2 triệu tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt trên 2,3 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt trên 3 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 6 tỷ USD…
Mặt khác, Hội đã tham gia đóng góp những ý kiến vào các chủ trương, đề án phát tiển thủy sản (Tư vấn phản biện) vào các dự thảo văn bản quan trọng về luật, nghị định, quyết định, thông tư… của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đến quyền lợi của lao động ngành thủy sản… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh hội, địa phương tổ chức lại sản xuất, đánh bắt, dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng tổ đội sản xuất hỗ trợ, giúp nhau trong khó khăn, hoạn nạn trên biển.
Bên cạnh đó, cùng với Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Hội đã tham gia giải quyết vấn đề vốn, giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, nhằm giải quyết khó khăn cho người nuôi trồng thủy sản. Nâng cao chất lượng con giống tôm, cá các loại và thức ăn, thuốc thú y thủy sản, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý… Hội cùng các tổ chức Hội, tạo điều kiện tích cực chủ động tìm kiếm thị trường, tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hướng dẫn hội viên sản xuất, chế biến những mặt hàng có giá trị phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, Hội phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “An ninh thực phẩm thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu” tổ chức triển lãm tại Thái Lan. Tổ chức trao giải lần 1 và phát động lần 2 Cuộc thi viết Điển hình Lao động giỏi ngành Thủy sản Việt Nam
Không những vậy, Hội còn phối hợp với WWF Việt Nam tổ chức các hội nghị với WWF quốc tế, hội nghị các hệ thống chứng nhận cho phát triển bền vững cá tra Việt Nam. Cùng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1, Hội Cá nước lạnh Lâm Đồng bàn phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển cá nước lạnh Việt Nam… Phối hợp với Dự án FSPS II (thuộc Tổng cục Thủy sản) thực hiện các hoạt động cử đoàn cán bộ Trung ương Hội thăm và làm việc với các tổ chức Hội tại Đan Mạch, tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội về các tiêu chuẩn ToT, VietGAP, GlobalGAP…
Những việc làm và kết quả của Hội trong năm 2011 được Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản và các ngành đánh giá cao. Hội trở thành cánh tay đắc lực của cơ quan quản lý nhà nước. Song, Hội cũng gặp không ít khó khăn về lực lượng cán bộ, điền kiện làm việc và năng lực tài chính… đã hạn chế rất nhiều đến những tư duy, trăn trở và những ý tưởng muốn bứt phá vươn lên!
Các nông dân, ngư dân Việt Nam đã đóng góp công sức rất lớn để tạo nên thành quả 5,2 triệu tấn thủy sản năm 2011 Ảnh: Huy Hùng
Luôn sát cánh cùng ngư dân vượt qua khó khăn, Hội Nghề cá đã có những hoạt động cụ thể gì, thưa ông?
Như trên đã trình bày – Hội Nghề cá Việt Nam là địa chỉ đáng tin cậy của ngư dân, luôn sát cánh cùng ngư dân đồng hành vượt qua nhiều khó khăn, lắng nghe, thấu hiểu những trăn trở, bức xúc trong dân, luôn kịp thời lên tiếng phản đối những hành động của nước ngoài mỗi khi xâm phạm đến ngư dân khi họ đang sản xuất trên vùng biển chủ quyền của Tổ quốc, tích cực tham gia góp ý vào những cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân trong sản xuất, kiến nghị đề xuất với Đảng, Nhà nước giải quyết những vướng mắc, chậm trễ trong việc triển khai cơ chế chính sách đối với nông, ngư dân như triển khai Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, hay việc cho vay vốn để phát triển trong khai thác, nuôi trồng thủy sản…
Mỗi khi có những thiệt hại về tài sản, tính mạng của ngư dân, Hội đã đề nghị kịp thời sự trợ giúp từ các tổ chức trong Hội, từ Quỹ nhân đạo nghề cá Việt Nam. Đặc biệt mới đây, Hội đã cùng Hội Cá ngừ Việt Nam, sự hỗ trợ của Tổng cục Thủy sản, HTV, Sài Gòn Film… kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng Quỹ “Hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro trên biển”. Nếu Quỹ được hình thành, ra đời thì đây sẽ là một điều kiện thuận lợi để hỗ trợ kịp thời những thiệt hại do thiên tai, địch họa gây ra đối với ngư dân, giúp họ yên tâm sản xuất.
Tham gia tích cực và có trách nhiệm các phong trào của Ủy ban Trung ương MTTQVN, Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam tổ chức, phát động… như hỗ trợ đồng bào bị bão lũ, ngày vì người nghèo…
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông, ngư dân. Để giúp họ vượt qua những khó khăn đó, Hội Nghề cá đã, đang và sẽ phải làm những gì, thưa ông?
Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của nông dân, ngư dân, vì trước hết họ là người phải gánh chịu hậu quả đầu tiên do thiên tai, bão lũ, hạn hán, nước biển dâng… Đây là việc lớn, lâu dài, với trách nhiệm của mình, Hội tích cực tuyên truyền, vận động nông, ngư dân thực hiện tốt trong việc sản xuất, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…, sản xuất thân thiện với môi trường. Vì một môi trường xanh, sạch, đẹp – Hội phải có nhiệm vụ đề xuất và phản biện trong việc thực hiện các dự án, chương trình…
Để giúp nông, ngư dân gặi hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm tới, lời khuyên của ông đối với họ là gì?
Năm 2011, mặc dù khí hậu khắc nghiệt, dịch bệnh tôm cá hoành hành… nhưng cũng là một năm người dân thu nhiều thành quả. Điều đó khẳng định được sự cố gắng vượt bậc và trí tuệ của người lao động, một điều muốn nói là hãy bình tĩnh trước khó khăn, hãy là người thông minh trong đầu tư sản xuất và sử dụng con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản… Đổi mới phương tiện, ngư cụ, nắm bắt tốt mùa vụ, ngư trường khai thác hiệu quả!
Trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Mưa
(Thực hiện)