Ông Võ Đình Thọ ở phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đứng bên khu đất bỏ hoang, kêu lên: “Khi nuôi chơi thì ăn thiệt, nuôi thiệt lại không có ăn”.
Hơn chục năm trước, ở vùng đất ven biển này, ông là một trong những người đầu tiên nuôi tôm, thả giống chưa tròn ba tháng tôm đã lớn thu hoạch được, theo ông “một lời một”. Nhưng chỉ dăm năm sau, khi nhiều người ồ ạt nuôi đã làm môi trường ô nhiễm nặng nề, “tôm giống thả xuống hơn tháng là chết sạch, từ đó phải bỏ hoang ao đến giờ”, ông than thở.
Chuyên gia thủy sản Trần Văn Phú kể, hơn chục năm trước, ông cùng Giáo sư Tsa Fa Hung ở Nhật Bản có chuyến khảo sát vùng bán đảo Cà Mau. Họ nhận thấy, chênh lệch triều cường ở ĐBSCL đến 4 mét cùng những điều kiện tự nhiên đặc thù đã sinh ra loài tảo rất tốt cho nuôi tôm nước lợ. Hồi đó, các ông đã lo ngại việc nuôi tôm không quy hoạch, sử dụng nhiều kháng sinh và hóa chất sẽ hủy hoại môi trường, làm mất tài nguyên quý giá thuộc loại hiếm hoi trên thế giới. Thực tế diễn ra chiều hướng xấu ấy. “Bây giờ ngành tôm muốn phát triển bền vững phải bảo vệ môi trường”, ông Phú nói.
Giáo sư Tsa Fa Hung giải thích, bản chất vấn đề nuôi tôm chính là nuôi nước. Nước trong ao nuôi không những phải sạch, mà còn phải sinh thái. Điều đó có nghĩa là trong nước nuôi tôm phải có rong tảo, sinh vật phù du cùng các lợi khuẩn và chúng chính là nguồn thức ăn sinh thái cho tôm.
Trước đây, nguồn nước ở nông thôn còn sạch, nay hầu hết đã bị nhiễm độc, tôm bị bệnh do virus. Mà là nhiều loại virus và chúng ký sinh cả trong vi khuẩn, hết sức rắc rối. Hiện nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu loại bỏ virus khỏi cơ thể tôm. Nên cách giải quyết tốt nhất là nuôi tôm sinh thái theo quan niệm hiện đại, nghĩa là tập trung nuôi dưỡng môi trường sinh thái tốt trong ao tôm. Môi trường đó phải sạch, có rong tảo tốt, hệ sinh vật phù du phong phú và không chứa virus.
Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2016) tại Bạc Liêu vừa qua cũng đã giới thiệu nhiều công nghệ và sản phẩm đáp ứng nhu cầu nuôi tôm sạch. Đó là những chế phẩm từ thảo dược, có khả năng duy trì chất lượng nước tốt và ổn định, nâng cao khả năng sinh sản và chất lượng con tôm. Chẳng hạn, chế phẩm sinh học BACS được sử dụng từ khi chuẩn bị ao nuôi và suốt quá trình nuôi tôm, giúp tăng được lượng tảo có ích trong các ao nuôi.
Chế phẩm vi sinh bảo vệ hệ sinh thái nên cũng rất tốt cho nuôi mọi loại thủy sản. Thí dụ cá chình, việc nuôi cá chình còn dễ làm ô nhiễm nguồn nước hơn tôm vì lượng thức ăn và phân thải ra nhiều hơn. Sử dụng chế phẩm vi sinh còn giúp cho sản phẩm cá chình đồng đều, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường chất lượng cao, tăng thêm lợi nhuận.
“Các vị đều biết thịt bò cao cấp của Nhật Bản mang thương hiệu KOBE. Tại các cửa hàng bán thịt bò KOBE phải công khai nơi nuôi, nơi chế biến rất cụ thể. Thế thì tại sao chúng ta không tạo ra thương hiệu tôm tương tự? Tôi cho rằng chúng ta cùng nhau hoàn toàn làm được nếu quyết tâm vận dụng công nghệ nuôi tôm sinh thái”, Giáo sư Tsa Fa Hung nói như vậy.