Là yếu tố quan trọng hàng đầu trong nuôi tôm, nhưng từ lâu nay, chất lượng nguồn giống vẫn là bài toán nan giải, luôn là đề tài “nóng” trong ngành thủy sản.
Nhiều rào cản
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính hết tháng 5/2016, cả nước có 1.750 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ; trong đó 1.240 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 510 cơ sở sản xuất giống TTCT. Tổng số lượng TTCT bố mẹ nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 87.800 con.
Với nhu cầu khoảng 130 tỷ tôm giống mỗi năm, hoạt động sản xuất, ương nuôi, kinh doanh tôm giống vẫn là ngành mang lại lợi nhuận cao cho nhiều doanh nghiệp. Thế nhưng, chất lượng con giống lại rất nan giải khi mà mỗi vụ nuôi người dân vẫn chịu thiệt hại do chất lượng con giống kém, tình trạng giống tốt, xấu vẫn còn lẫn lộn. Chính vì vậy, việc cải thiện chất lượng tôm giống là yêu cầu sống còn.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền nhận định, điểm yếu nhất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống hiện nay chính là việc tôm bố mẹ được cung cấp chủ yếu từ nguồn nhập nội và khai thác từ tự nhiên, nên chưa chủ động được nguồn giống; các cơ sở sản xuất giống nhiều nhưng chất lượng chưa đồng đều.
Chia sẻ của một số đại lý ương giống tại TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang cho thấy, từ đầu năm đến nay, hoạt động cung cấp TTCT bố mẹ của một số doanh nghiệp Thái Lan có phần không ổn định. Theo đó, dù chiếm phần lớn trong thị trường cung ứng TTCT bố mẹ nhưng chất lượng sản phẩm lại không đồng đều; khiến con giống có sức đề kháng kém, dễ nhiễm bệnh, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của người nuôi. Theo một cán bộ kiểm dịch của Chi cục Thủy sản Bình Thuận, do nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu từ Trung Quốc chưa được kiểm soát chặt chẽ ngay từ cửa khẩu, giá lại rẻ khiến nguồn tôm post bán cho người nuôi dễ nhiễm bệnh. Đây có thể coi là một trong nhiều nguyên nhân khiến người nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh vì chất lượng con giống kém.
Kiểm soát chất lượng tôm giống luôn là bài toán khó – Ảnh: Nam Anh
Tại Thừa Thiên – Huế, chất lượng nguồn tôm giống để cung cấp cho vùng nuôi tôm trên cát và cả ở vùng đầm phá xem ra còn khá lơ lửng. Riêng trong năm nay, vùng nuôi tôm trên địa bàn cần khoảng 1,5 tỷ con giống TTCT và khoảng 250 triệu con tôm sú nhưng lượng giống tại chỗ chỉ có thể đáp ứng được 50 triệu con tôm sú, bằng 1/5. Phần còn lại phải mua ở các tỉnh phía nam nên rất khó kiểm soát chất lượng.
Gấp rút xây dựng chiến lược
Tại Quảng Ninh, một trong những vùng sản xuất thủy sản trọng yếu tại miền Bắc, nhiều năm qua, địa phương đã có các chính sách thúc đẩy sản xuất tôm giống hiệu quả, hình thành nhiều vùng và đơn vị cung ứng con giống chất lượng. Điển hình, mới đây, Công ty CP Thủy sản Tân An đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại miền Bắc sản xuất thành công giống TTCT; mở ra hướng đi mới trong việc cung ứng con giống chất lượng tại Quảng Ninh. Đại diện Công ty cho biết, ước tính, mỗi vụ nuôi Quảng Ninh cần 3,5 tỷ con giống TTCT. Nhưng bấy lâu nay, 100% số tôm giống thả nuôi được nhập từ các địa phương khác. Điều này gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, xác định nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Với mong muốn đáp ứng được một phần nhu cầu về giống TTCT chất lượng tốt, Công ty đã mạnh dạn nhập 315 cặp TTCT bố mẹ sạch bệnh từ Công ty TNHH Shrimp Improvement Systems Pte (Singapore) về sản xuất giống tại chỗ. Được biết, Công ty dự kiến từng bước triển khai thực hiện Đề án sản xuất giống TTCT tại chỗ với quy mô cung ứng ra thị trường 2 tỷ con giống/năm.
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra một số kiến nghị với Bộ Công thương trong đó có đề cập đến vấn để con giống. Ông Trường Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, con giống là yếu tố then chốt, có thể chi phối đến các hoạt động khác như sản lượng, dịch bệnh, kháng sinh, giá thành sản xuất… trong thủy sản nói chung, con tôm nói riêng; theo đó, cần sớm có chiến lược cụ thể cho lĩnh vực này.
Hiện nay, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước đạt trên dưới 600 nghìn ha, trong đó vùng ĐBSCL chiếm khoảng 500 nghìn ha; nên nhu cầu con giống là rất cao. Chính vì vậy, nhiều thương hiệu lớn sản xuất tôm giống trong cả nước đã đầu tư các dự án sản xuất tôm post với chi phí hàng chục tỷ đồng, luôn tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định về nhập khẩu tôm giống bố mẹ cũng như các điều kiện nghiêm ngặt trong tổ chức sản xuất con giống nhằm bảo vệ uy tín thương hiệu và tạo nguồn giống chất lượng cho người nuôi; đồng thời, cạnh tranh lại với những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng con giống không đảm bảo. Chiến lược cho con giống thủy sản nói chung trong đó có con tôm luôn là yêu cầu bức thiết và cũng là giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành thủy sản trong bối cảnh có nhiều bất lợi trong sản xuất như hiện nay.
>> Số lượng các trại tôm post của các doanh nghiệp trên cả nước tính đến tháng 5/2016 giảm 9 cơ sở so với năm 2015, nhưng nhìn chung vẫn còn cao với 1.240 doanh nghiệp, riêng 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa chiếm hơn 60%. |