Rửa mặn được xem là khâu kỹ thuật quan trọng nhất của trồng lúa trên đất nuôi tôm. Nên tận dụng những trận mưa lớn đầu mùa để tích ngọt, rửa mặn cho đồng ruộng. Độ mặn tốt nhất trước khi xuống giống được khuyến cáo là < 2‰.
Thời gian rửa mặn tốt nhất vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 dương lịch. Cần bố trí vụ tôm kết thúc sớm để có thời gian rửa mặn triệt để.
Đất nhiễm mặn là hiện tượng trong đất có chứa nồng độ cao của những dung dịch muối trong đó cao nhất là muối Natri clorua. Để rửa mặn hiệu quả, trước tiên cần phải bón vôi với liều lượng 1 – 2 tấn/ha. Ngoài ra, bón vôi cho lúa có khả năng điều chỉnh thẩm thấu, gia tăng khả năng hút nước của cây, hạn chế việc hấp thu và vận chuyển muối từ rễ vào thân cây, do đó gia tăng khả năng chống chịu mặn. Nếu chất đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn, còn với đất mặn không có phèn nên bón vôi CaCO3.
Sau đó, cày xới để đất tơi xốp, tăng khả năng thấm rút nước giúp cho việc rửa các muối trong đất được dễ dàng, đồng thời giúp vôi trộn đều trong đất. Cùng đó, cần theo dõi các kênh thông tin thông báo có mưa lớn, áp thấp hay bão lớn thì phải xổ (tháo) cạn đến khô nước trên bề mặt ruộng hoặc tháo khô cả lòng mương nếu nước còn quá mặn. Khi có mưa, hứng nước mưa ngập mặt ruộng (mặt trảng) ngâm khoảng 2 đến 3 đêm, sau đó tháo cạn và lặp lại từ 3 đến 5 lần đến khi độ mặn trong nước còn 2‰ thì tiến hành gieo sạ.
Trong trường hợp lượng mưa không đủ để rửa mặn, cần bơm nước ngọt lên bờ mặt ruộng khoảng 20 – 30 cm, ngâm 2 – 3 ngày.
Khi tiến hành rửa mặn, người dân trong vùng cần liên kết lại để rửa mặn đồng loạt sẽ giúp độ mặn giảm nhanh hơn và giảm chi phí. Ngoài ra, để tăng cường mối liên kết giữa nông dân với nông dân thì vai trò của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền vận động rất quan trọng.