Gian nan đời ngư phủ

Chưa có đánh giá về bài viết

Dân gian có câu “rừng vàng biển bạc”. Biển cho con người nhiều thứ nhưng cũng lấy đi không ít. Cũng như bao làng biển khác trên cả nước, từ ngàn đời nay, người dân thôn Hà Tây, xã Triệu An (Triệu Phong, Quảng Trị) luôn cầu mong sóng yên biển lặng trong những chuyến ra khơi, nhưng đâu phải lúc nào biển cả cũng chiều lòng người. Với ngư dân Hà Tây, mỗi lần ra biển là mỗi lần đặt cược tính mạng trên đầu sóng ngọn gió, nhưng nếu bảo họ đừng đi biển nữa, chắc chắn họ sẽ lắc đầu, bởi đó là nghiệp, là

Chuyến ra khơi định mệnh

Như bao chuyến ra khơi khác, hôm đó 8 người gồm ông Trần Văn Quang, Lê Quang Được, Dương Văn Viết, Lê Văn Trung, Lê Văn Thành, Phạm Văn Đới, Lương Văn Hòa (ngụ tại thôn Hà Tây) và Nguyễn Văn Phất (thôn 9, Triệu Vân) cùng nhau chuẩn bị ngư lưới cụ, thắp hương hành lễ ra khơi trên chiếc tàu QT 23084 với công suất 73 CV do ông Quang làm chủ tàu, đồng thời là thuyền trưởng. 

 

Nhiều ngày qua chị Bòn (vợ anh Được) bỏ ăn, bỏ uống ra bãi biển ngóng tin tức chồng.

Họ ra khơi với hy vọng sẽ kéo được một mẻ cá lớn để về trang trải cuộc sống trong gia đình. Nhưng nào ngờ đó là chuyến ra khơi định mệnh đối với họ. Anh Lê Văn Thành (32 tuổi) vẻ mặt còn chưa hết bàng hoàng, nhớ lại: “Khi đó mấy anh em chúng tôi đang loay hoay tìm cách cho tàu cập bờ thì bất ngờ một cơn gió to ập đến đánh lật úp chiếc tàu cùng toàn bộ ngư lưới cụ và 8 người trên tàu xuống biển. Trong khoảnh khắc kinh hoàng đó, chúng tôi chỉ còn biết nắm được cái phao nào thì cố mà giữ cho vững để khỏi bị “thủy thần” nhấn chìm”.

Khuôn mặt chưa hết hãi hùng, ông Lê Văn Quang kể: “Khi đó khoảng 6 giờ sáng ngày 11/2/2012, tàu của chúng tôi đang cách bờ khoảng 0,5 hải lý (tương đương với hơn 900 m) thì bất ngờ gặp phải một cơn lốc to đánh lật úp tàu, mọi người trên tàu đều bị nhấn chìm xuống biển, tôi cố hết sức ngoi lên mặt nước nhưng cứ ngoi lên là bị nước biển nhấn xuống. May mắn sao lúc đó tôi vớ được chiếc phao và giữ được, mấy anh em khác có người vớ được phao, có người không. Chúng tôi phải vật lộn với “thủy thần” mất khoảng 30 phút thì được tàu ngư dân khác đến cứu và đưa lên thuyền”.

Đã ra khơi nhiều lần, có nhiều kinh nghiệm đi biển và cũng gặp không ít gió to, sóng lớn nhưng đối với ông Phạm Văn Đới (48 tuổi) chuyến đi biển lần này là chuyến đi biển kinh hoàng nhất trong đời. Ông Đới kể lại: “Vào khoảng 16 giờ ngày 11/2/2012, giờ tàu chúng tôi ra khơi đánh cá, hôm đó cá vào lưới rất nhiều nên đến khoảng 22 giờ cùng ngày thì anh em chúng tôi cho thuyền vào bờ để nghỉ ngơi. Thế nhưng, khi về đến cửa biển Cửa Việt thì gặp sóng to và gió nên không cách nào vào bờ được, chúng tôi đành phải cho tàu lênh đềnh ngoài biển đến tận sáng thì bất ngờ gặp cơn sóng to đến cả vài mét nhấn chìm tàu và mọi người. Tôi may mắn vớ được phao và được thuyền của ngư dân đưa lên thuyền và mang vào bờ. Mấy chục năm đi biển tôi đã gặp không ít sóng to, gió lớn, biển động nhưng chưa có lần nào khủng khiếp như lần này. Vào bờ mấy ngày nay nhưng đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh giây phút kinh hoàng đó, nếu không vì miếng cơm manh áo cho gia đình thì tôi cũng không dám ra khơi nữa đâu”. 

 

 

 Anh Hòa (bên trái) và anh Quang vẫn còn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại chuyến ra khơi định mệnh.


Trung tá Nguyễn Minh Tâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 208 (đóng trên địa bàn xã Triệu An, Triệu Phong), cho biết: “Sau khi nhận được thông tin có tàu gặp nạn trên biển đơn vị chúng tôi đã cử ngay tàu ra ứng cứu ngư dân nhưng do sóng quá to cộng với việc lưới trên tàu QT 23084 bung xuống biển quá nhiều nên khi đó chúng tôi không thể tiếp cận được với tàu gặp nạn. Sau đó chúng tôi đã phối hợp với tàu của Đồn Biên phòng Cửa Việt cùng với thuyền thúng của ngư dân mới đưa được nạn nhân cùng tàu gặp nạn vào bờ”.

30 phút vật lộn với “thủy thần” là 30 phút cam go, cố gắng để giành lại sự sống của các thuyền viên trên con tàu QT 23084, trong số họ có những người chiến thắng được “thủy thần” nhưng cũng có người phải nằm lại giữa biển khơi. Họ biết mỗi một chuyến ra khơi là mỗi một lần đặt cược tính mạng với biển, thế nhưng đằng sau họ là những gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền nên đành phải… liều mình.

Nước mắt nghề đi biển

Đã nhiều năm trôi qua nhưng những người dân thôn An Đức 1, thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Linh) vẫn còn nhớ như in trường hợp gặp nạn trên biển của 2 bố con ông Võ Giải và con trai Võ Dưỡng. Đêm đó, hai bố con ông đang neo thuyền ngoài cửa biển, khi bão ập tới do không kịp tìm chỗ để tránh nên bị bão cuốn ra biển khiến cả hai bố con ông đều thiệt mạng.

Chúng tôi tìm về thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt (Gio Linh) để tìm gặp với một gia đình có người thân bị chết trên biển. Trong căn nhà xập xệ như sắp đổ đến nơi, bà Lê Thị Trâm mắt đã nhòa đi vì khóc thương đứa con trai đầu lòng. Bà Trâm nhớ lại: “Năm 2005, thuyền của Nguyễn Công Thình (con trai đầu của bà) cùng với mấy người nữa đi đánh bắt ở Vũng Áng (tỉnh Hà Tĩnh). Trong một chuyến đánh bắt dài ngày, thuyền của Thình bị tàu chở hàng đâm phải khiến cả ba người trên thuyền bị chết và không tìm thấy xác. Sau cái chết của con, tôi như người mất hồn, sức khỏe giảm sút và mắt đã mờ. Thành thử bây giờ mỗi lần đứa con trai thứ hai của tôi đi biển là tôi hết thắp hương lại ngồi cầu khấn cầu mong cho sóng êm, biển lặng. Dẫu biết là đi biển là nguy hiểm nhưng nếu không đi biển thì dân vùng cát như chúng tôi lấy gì mà sống”.

Có chồng là anh Lê Quang Được bị mất tích trên biển sau tai nạn của chiếc tàu QT 23084 hôm 11/2/2012, đã mấy ngày trôi qua chị Phạm Thị Bòn đã không ăn, không ngủ, ngồi miết ngoài bãi biển để ngóng tin tức của chồng mình trong vô vọng. Trên gương mặt hốc hác, trong tiếng nấc ngẹn ngào, chị Bòn than: “Chồng em đi biển gần 20 năm rồi, nhưng cũng chẳng tích cóp được là bao. Hôm trước khi anh lên tàu anh có dặn lại với em rằng đi chuyến này về sẽ dành tiền trả bớt nợ cho đỡ cực. Ấy vậy mà anh ấy đi đến giờ vẫn chưa trở lại, trong khi những người đi cùng anh đã về nhà cả rồi. Không biết rồi 4 đứa con đang còn nhỏ của em sẽ lớn lên thế nào khi thiếu bàn tay nuôi dạy của bố”.

Nhà anh Được thuộc diện cận nghèo, có 4 đứa con, đứa đầu học lớp 8, đứa thứ tư mới lên 4 tuổi. “Gặp nạn trên biển mấy ai trở về”, biết thế nhưng chị Bòn vẫn hy vọng về một điều thần kỳ nào đó đến với chị và gia đình. Cũng đi chuyến tàu định mệnh và gặp nạn với anh Được là ông Dương Văn Viết (52 tuổi), sau 2 ngày trôi dạt trên biển, đến sáng ngày 13/2/2012, xác của ông Viết đã được ngư dân tìm thấy, đưa lên bờ và được người nhà nhận về mai táng.

Nói về các trường hợp mất tích và tử nạn trên biển bao lâu nay, ông Dương Văn Long, Trưởng thôn Hà Tây cho biết, cách đây chừng 20 năm trên địa bàn thôn cũng xảy ra trường hợp gặp nạn trên biển như thế này khiến ông Lương Văn Biện và con trai là Lương Văn Thanh chết và rất nhiều trường hợp gặp nạn trên biển nhưng may mắn được ngư dân và lực lượng bộ đội biên phòng ứng cứu kịp thời nên không bị thiệt hại về người.

Trước trường hợp gặp nạn của ngư dân thôn Hà Tây xảy ra vào ngày 11/2/2012 khiến toàn bộ tài sản và 2 người mất tích, ông Hoàng Trọng Hòa, Chủ tịch UBND xã Triệu An, cho biết: “Sau khi tai nạn xảy ra, chúng tôi đã cùng với Đồn Biên phòng 208 ứng cứu kịp thời, đồng thời tổ chức công tác tìm kiếm những ngư dân còn mất tích trên biển. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Triệu Phong và các đơn vị liên quan xin hỗ trợ cho các gia đình bị nạn, đồng thời chúng tôi cũng đã đến gia đình các nạn nhân để thăm hỏi, động viên mong chia sẻ phần nào nỗi đau đối với gia đình nạn nhân”.

“Sinh nghề, tử nghiệp” là câu nói mà bao đời nay người ngư dân bám biển luôn ghi nhớ, thế nhưng với họ bám biển là cuộc sống. Vậy nên, dẫu biết rằng nguy hiểm, cực nhọc nhưng họ vẫn đi, vẫn bám biển để có miếng cơm, manh áo và trang trải cuộc sống cho gia đình. Và cứ mỗi lần ra khơi, người ngư dân lại cầu mong sẽ không có những chuyến đi định mệnh như vừa qua.

Nam Hải

Theo Báo Quảng Trị

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!