Sinh năm 1984, chị Tôn Thị Lánh, trú tại xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đã nhiều năm tham gia công tác dân số và luôn hoàn thành tốt phần việc của mình, đóng góp chung vào kết quả của địa phương.
Chị Lánh được phân công giám sát 26 cụm dân cư, chị cùng quản lý địa bàn với 22 cộng tác viên dân số khác. Nắm rõ phần việc, địa bàn hoạt động cũng như mục đích công việc, chị đã lập kế hoạch tuyên truyền và vận động đối tượng liên quan tham gia vào hoạt động dân số nói chung và hoạt động giảm sinh con thứ 3. Xác định tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, chị đã “hy sinh” nhiều thời gian để tác động tư tưởng cho các đối tượng. Chị hướng đến những gia đình sinh nhiều con, đặc biệt là những hộ sinh con thứ 3 trở lên, gia đình sinh con một bề… Chị phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền với phương pháp và nội dung tuyên truyền được đổi mới để thu hút sự quan tâm của người dân.
Trong năm 2015, Ban DS – KHHGĐ xã đã phối hợp tuyên truyền được trên 1.200 lượt người dự nghe; tư vấn trực tiếp tại Trạm Y tế xã cho trên 500 lượt người và dán tranh, ảnh, phát tờ rơi, tài liệu về dân số cho người dân. Chị Lánh được lãnh đạo ngành dân số giao nhiệm vụ tuyên truyền trực tiếp và trên Đài Truyền thanh xã. Được mọi người yêu mến, tin cậy nên kết quả tuyên truyền của chị rất hiệu quả.
Chính từ những hoạt động thiết thực đó mà nhận thức về sinh đẻ có kế hoạch của người dân trên địa bàn xã đã thay đổi rõ rệt. Đến nay, tại các buổi sinh hoạt nhóm đã thu hút sự các chị em tham gia đầy đủ. Trong năm 2015, tổng số cặp vợ chồng sử dụng các BPTT là 1.196 trường hợp, đạt 128% so kế hoạch năm; tỷ lệ sinh con thứ 3 đã có chiều hướng giảm, như năm 2014 tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn xã là 16% thì đến năm 2015 giảm xuống chỉ còn hơn 10%; tỷ lệ giới tính khi sinh trẻ trai/trẻ gái trong ngưỡng cho phép.
Theo đánh giá chung, công tác dân số tại xã Thạnh Phú đã có nhiều tiến triển, hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, người dân nhận thức đầy đủ cũng như được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS ngày càng nhiều hơn. Song bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả mạng lưới cộng tác viên dân số để có sự đồng nhất, tiến tới nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn và thực hiện các mục tiêu chung của địa phương.