Di dời cảng cá Long Hải: Xóa “điểm đen” về ô nhiễm

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc di dời Cảng cá Long Hải tự phát tại khu phố Hải Hà (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) không chỉ góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường biển, mà còn tạo quỹ đất trống để huyện xây dựng, phát triển môi trường du lịch biển khu vực thị trấn Long Hải. Nhưng hiện nay việc di dời đang gặp nhiều khó khăn, do nhiều trại cá kinh doanh hải sản ở khu vực này chưa đồng thuận di dời.

Di dời cảng cá Long Hải: Xóa "điểm đen" về ô nhiễm

Toàn bộ nguồn nước thải ô nhiễm tại Cảng cá Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) chưa qua xử lý chảy thẳng ra biển.

CẢNG CÁ TỰ PHÁT GÂY Ô NHIỄM

Cảng cá Long Hải nằm ở khu vực ao Hải Hà (khu phố Hải Hà, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) có diện tích khoảng 18ha, được hình thành từ vài chục năm nay. Trước đây, khu vực này là bãi bồi ven biển, nhiều người dân đến đây dựng trại thu mua hải sản, dần dần hình thành nên cảng cá tấp nập, đông đúc với nhiều trại thu mua cá hoạt động. Tuy nhiên, vì là cảng cá tự phát, nên cảng cá Long Hải không có hệ thống xử lý nước thải hay thu gom rác. Nước thải từ hoạt động sơ chế hải sản và chất thải sinh hoạt của người dân xả thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường biển khu vực này.

Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng ô nhiễm tại khu vực cảng cá Long Hải hiện khá nghiêm trọng. Đặc biệt là khu vực phía sau các trại thu mua, sơ chế hải sản. Ngay sau gần 100 trại cá đang hoạt động là những vũng nước đen ngòm, ngổn ngang các loại rác thải: thùng xốp, chai nhựa, túi nilon, rổ nan, thuyền thúng, xác chết động vật… bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng vo ve. Hàng ngày, toàn bộ nước thải từ hoạt động sơ chế hải sản từ các trại cá chảy xuống các vũng nước và cứ thể chảy thành dòng ra biển. Con đường dẫn vào các trại cá thì sình lầy, xe cộ ra vào tạo thành những ổ voi, ổ gà mưa xuống nước đọng thành từng vũng.

Trước thực trạng ô nhiễm đó, nhiều năm trước UBND huyện Long Điền có kế hoạch di dời, cải tạo cảng cá Long Hải để cải thiện môi trường biển khu vực này. Cụ thể, năm 2013, UBND huyện đã xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường huyện Long Điền và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trước đó, huyện cũng đã xây dựng Đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị huyện Long Điền đến năm 2020, trong đó nêu rõ khu vực ao Hải Hà được quy hoạch với chức năng phát triển du lịch. “Hiện khu vực cảng cá Long Hải đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, do đó chủ trương của huyện là quyết tâm di dời các hộ dân ra khỏi khu vực này. Sau khi di dời, huyện sẽ cải tạo môi trường bằng cách nạo vét, xây đụn cát lọc nhân tạo, thu gom rác, trồng cây xanh phục vụ du lịch và dân sinh”, ông Phan Thanh Liêm, Trưởng phòng TN-MT huyện Long Điền cho hay.

Di dời cảng cá Long Hải: Xóa "điểm đen" về ô nhiễm

Hoạt động thu mua, sơ chế hải sản tại Cảng cá Long Hải.

DI DỜI CÁC TRẠI CÁ, NGƯỜI DÂN CÒN BĂN KHOĂN

Ông Phan Thanh Liêm cho biết, để hiện thực hóa đề án tổng thể bảo vệ môi trường của huyện Long Điền đã được tỉnh phê duyệt, trong năm 2015, UBND huyện Long Điền đã có kế hoạch triển khai dự án cải tạo khu vực cảng cá Long Hải. Theo đó, từ năm 2015-2020 huyện sẽ di dời các cơ sở chế biến hải sản về khu chế biến hải sản tập trung; sắp xếp lại khu neo đậu ghe thuyền và di dời các hộ dân sinh sống ven biển về các khu dân cư trên địa bàn huyện. “Trước mắt, chủ trương của huyện Long Điền là di dời 51 trại cá tại khu vực đất bãi bồi ven biển do Nhà nước quản lý, với tổng diện tích gần 9.500m2. Tuy nhiên, hiện tại công tác vận động các trại cá này di dời đi nơi khác đang gặp khó khăn, do các hộ kinh doanh chưa đồng tình với phương án di dời của huyện”, ông Phan Thanh Liêm cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo BR-VT, hầu hết các hộ dân kinh doanh trại cá ở khu vực cảng cá Long Hải đều ủng hộ chủ trương di dời của UBND huyện Long Điền để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, khó khăn của các trại cá hiện nay là họ chưa tìm được địa điểm mới thích hợp để di dời. Bởi trên địa bàn thị trấn Long Hải hiện không còn khu đất trống ven biển nào. Do đó, các trại cá này chỉ có thể di dời vào các cảng cá khác trên địa bàn huyện như: Cảng dịch vụ Hậu cần nghề cá Hưng Thái (xã Phước Hưng); các cảng cá Tân Phước, Phước Hiệp và Phước Tỉnh (xã Phước Tỉnh)… Nhưng nhiều ý kiến lo ngại di dời vào cảng cá tư nhân được đầu tư bài bản thì chi phí sản xuất sẽ tăng, gây khó khăn cho các hộ kinh doanh đang hoạt động. “Dời vào các cảng cá khác diện tích nhỏ, chật chội lại phải thuê nhiều dịch vụ ăn theo khiến chi phí đội lên rất cao, chúng tôi lo sẽ không kham nổi”, bà Nguyễn Thị Hương – một chủ trại cá ở khu vực ao Hải Hà – bày tỏ băn khoăn.

Người dân cũng cho biết, họ đã làm ăn ở đây hơn 20 năm và phải bỏ tiền ra xây dựng các trại cá, có người phải vay vốn ngân hàng để đầu tư. Vì vậy, khi di dời họ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước. “Trước đây, khu vực này là cái ao rất sình lầy, đường đi lại khó khăn, chúng tôi đã đổ đá san lấp bãi bồi, làm trại cá, góp công sức cùng nhau làm đường. Bao nhiêu công sức đã đổ ra,  đang làm ăn yên ổn, giờ Nhà nước thu hồi mà không hỗ trợ di dời thì chúng tôi rất khó khăn”, ông Nguyễn Quang Trường, chủ một trại cá, có ý kiến.

SẼ XEM XÉT TỪNG TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

Theo Phòng TN-MT huyện Long Điền, trong số 51 trại cá phải di dời có 22 trại cá với diện tích hơn 3.000m2 trước đây được Công đoàn thị trấn Long Hải cho thuê mặt bằng để kinh doanh hải sản, nay Công đoàn thị trấn Long Hải thu lại; 29 trại cá còn lại với tích gần 6.500m2 thuộc đất bãi bồi do Nhà nước quản lý, người dân tự lấn chiếm để kinh doanh hải sản, nay UBND thị trấn Long Hải đang vận động để người dân di dời. Tất cả các trại cá này đều không có giấy phép xây dựng theo quy định.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân, Phòng TN-MT huyện Long Điền đang phối hợp với UBND thị trấn Long Hải rà soát lại danh sách các đối tượng di dời để phân loại đối tượng và lựa chọn hình thức di dời phù hợp. “Nếu đối tượng nào đủ điều kiện hỗ trợ, đền bù theo quy định của Nhà nước thì sẽ được áp dụng đúng chính sách hỗ trợ, đền bù để bà con sớm di dời”, ông Phan Thanh Liêm cho biết thêm.

Việc cải tạo di dời Cảng cá Long Hải để bảo đảm môi trường và phát triển du lịch là điều cần thiết, đồng thời phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị và phát triển du lịch của huyện Long Điền đã được tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, địa phương cần xem xét các phương án di dời hợp tình, hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi di dời. Đồng thời, vận động các cảng cá xung quanh có chính sách hỗ trợ cho các hộ di dời, giúp họ ổn định và phát triển kinh doanh lâu dài. Đó cũng là mong muốn chung của các hộ dân thu mua hải sản tại cảng cá Long Hải.

>>ÔNG VƯƠNG XUÂN QUANG, GIÁM ĐỐC CẢNG DỊCH VỤ HẬU CẦN THỦY SẢN HƯNG THÁI (XÃ PHƯỚC HƯNG):
Giảm giá thuê mặt bằng cho các hộ dân di dời Giá thuê mặt bằng tại cảng Hưng Thái hiện nay cụ thể như sau: 60.000 đồng/m2/tháng đối với mặt bằng nhà thu mua cá; 100.000 đồng/m2/tháng đối với ki-ốt. Ngoài ra, người kinh doanh tại cảng phải chịu một số loại phí dịch vụ khác như: tiền gửi xe, phí xe ra vào cảng, tiền nước ngọt… Để tạo điều kiện hỗ trợ cho các chủ trại cá ở khu vực ao Hải Hà (thị trấn Long Hải) chuyển sang kinh doanh thu mua hải sản tại cảng, trong thời gian đầu, cảng Hưng Thái sẽ giảm 70% giá thuê mặt bằng nhà thu mua cá và 55% giá thuê ki-ốt. Thời gian giảm sẽ được kéo dài trong vòng 18 tháng. Hiện đã có 6 hộ kinh doanh cá khu vực cảng cá Long Hải đã đăng ký thuê mặt bằng trại thu mua cá tại cảng Hưng Thái.

TRÚC GIANG

Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!