Phú Yên hiện có 21 cơ sở có khả năng đóng mới khoảng 80 tàu và sửa chữa khoảng 6.250 tàu thuyền mỗi năm. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này chủ yếu đóng, sửa tàu thuyền vỏ gỗ công suất nhỏ, trong khi ngư dân đang đầu tư đóng tàu công suất lớn và tàu cá vật liệu mới. Tỉnh đang khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy đóng tàu hiện đại.
DNTN Vận tải thương mại Hùng Thi tổ chức thi công xưởng đóng, sửa tàu thuyền – Ảnh: ANH NGỌC
Cần nâng cấp các cơ sở đóng, sửa tàu cá
Theo Sở NN-PTNT, ngành cơ khí thủy sản của tỉnh đang phát triển, trong đó đóng, sửa tàu thuyền cơ bản đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và một số ngư dân các tỉnh lân cận. Hiện Phú Yên có khoảng 500 lao động tham gia đóng, sửa tàu thuyền, mỗi năm có khả năng đóng khoảng 80 tàu và sửa chữa khoảng 6.250 tàu thuyền. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở này chủ yếu đóng sửa tàu thuyền vỏ gỗ công suất nhỏ, còn việc đóng mới, sửa chữa tàu công suất lớn thì ngư dân phải thực hiện ở các tỉnh khác. Hiện tỉnh chưa có cơ sở nào có thể đóng mới, sửa chữa tàu cá hiện đại bằng các loại vật liệu mới. Ngư dân Lê Thái Bình ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết: Phú Yên có hai cơ sở đóng, sửa tàu thuyền đạt tiêu chuẩn theo Nghị định 67 của Chính phủ và được tỉnh công bố. Tuy nhiên, các cơ sở này chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đóng mới tàu cá công suất lớn, nên khi triển khai đóng mới tàu cá công suất trên 700CV, tôi phải ra Bình Định. Tiền vay theo Nghị định 67 để đóng chiếc tàu này là rất lớn, gia đình tôi phải tìm hiểu nhiều cơ sở có kinh nghiệm để đóng thì mới yên tâm. Còn theo ngư dân Võ Văn Lành cũng ở phường 6 thì cho rằng, riêng quy cách, chất lượng gỗ và đội ngũ công nhân của một số cơ sở đóng tàu ở Bình Định hơn hẳn nên ngư dân chọn để đóng tàu…
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT), hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 cơ sở đóng sửa tàu thuyền, trong đó 21 cơ sở đang hoạt động. Các cơ sở này đóng và sửa chữa tàu cá theo phương pháp truyền thống, thủ công nên nhà xưởng, trang thiết bị hầu như chỉ có các dụng cụ cầm tay, chưa đầu tư được nhiều thiết bị điều khiển bằng máy móc, đội ngũ nhân viên kỹ thuật chưa phù hợp theo quy định. Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Qua kiểm tra, hoạt động đóng mới và cải hoán tàu cá trong tỉnh còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Tất cả cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện đối với ngành nghề đóng mới, cải hoán tàu cá theo quy định. Đến nay, chỉ có hai cơ sở của ông Võ Văn Tuấn ở phường Xuân Đài và Công ty TNHH Tân Hoàng Long ở phường Xuân Thành (TX Sông Cầu) đủ điều kiện đóng mới, cải hoán tàu cá vỏ gỗ theo Nghị định 67. Tuy nhiên, hai cơ sở này cần phải bổ sung nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn theo quy định. Chi cục Thủy sản kiến nghị Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh quy hoạch một số khu đất tại các huyện, thị xã, thành phố để thu hút cá nhân, tổ chức có năng lực về đóng mới, cải hoán và sửa chữa tàu cá đến đầu tư để từng bước phát triển ngành đóng tàu cá của địa phương theo hướng công nghiệp hóa.
Đóng mới tàu ở Phú Yên – Ảnh: NGỌC CHUNG
Xây dựng những cơ sở đóng, sửa tàu cá hiện đại
Mới đây, UBND huyện Đông Hòa đã cấp phép thực hiện dự án Xí nghiệp Đóng tàu cá Hùng Thi tại xã Hòa Hiệp Nam của DNTN Vận tải thương mại Hùng Thi. Dự án này đang triển khai thi công trên diện tích đất khoảng 3,5ha tiếp giáp với sông Ngọn, xã Hòa Hiệp Nam gồm các hạng mục như xưởng đóng và sửa tàu có quy mô 60 ụ tàu, xưởng mộc, kho gỗ thành phẩm, kho ngư lưới cụ, kho hàng, xưởng gia công cơ khí – điện, bãi chứa gỗ, kho xăng dầu, nhà điều hành và các hạng mục khác… với kinh phí đầu tư hơn 33 tỉ đồng. Ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc DNTN Vận tải thương mại Hùng Thi, cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi sẽ đóng mới khoảng 50-70 tàu vỏ gỗ công suất lớn (khoảng 500CV trở lên) và sửa chữa khoảng 500 lượt tàu/năm. Đối với gỗ để làm tàu, doanh nghiệp sẽ nhập khẩu chủ yếu là gỗ sao đạt quy chuẩn, chất lượng với chiều dài bình quân hơn 20m. Dự kiến đến tháng 6/2017 sẽ xây dựng xong cơ sở hạ tầng và có thể triển khai đóng, sửa tàu thuyền với đội ngũ kỹ sư, công nhân được đào tạo bài bản và sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 150-200 lao động dài hạn, 100-300 lao động thời vụ. Song song với việc đóng, sửa tàu thuyền, doanh nghiệp còn đầu tư để cung cấp dịch vụ hậu cần như xăng dầu, đá lạnh, nước ngọt, ngư lưới cụ và nhu yếu phẩm phục vụ đánh bắt dài ngày trên biển. Giai đoạn 2, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhà máy đóng, sửa tàu cá vỏ thép và composite”.
Ngư dân Tống Thái Tân ở khu phố Phú Thọ, thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), cho hay: “Hiện nay, rất nhiều ngư dân ở khu phố Phú Thọ nói riêng và huyện Đông Hòa nói chung có nhu cầu rất lớn trong việc phát triển ngành nghề khai thác hải sản cũng như đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi bám biển làm ăn. Lâu nay, ở địa phương chỉ có dịch vụ sửa chữa tàu thuyền quy mô nhỏ, còn việc sửa chữa lớn hoặc đóng mới tàu thuyền thì ngư dân phải đến các địa phương khác hoặc ra ngoài tỉnh, rất bất tiện. Có cơ sở đóng, sửa tàu thuyền Hùng Thi đang xây dựng tại địa phương với quy mô lớn nên đa số ngư dân ở đây rất phấn khởi vì không phải đi xa, tốn kém chi phí. Ngư dân địa phương chúng tôi mong muốn cơ sở này sớm hoàn thành để tạo điều kiện cho ngư dân đóng, sửa tàu thuyền cũng như cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá”.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Cơ sở đóng, sửa tàu thuyền của Xí nghiệp Đóng tàu cá Hùng Thi khi hoàn thành không chỉ ngư dân huyện Đông Hòa thuận lợi mà còn tạo điều kiện cho ngư dân trong và ngoài tỉnh trong việc đóng, sửa tàu thuyền. Nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu cá hiện nay trên địa bàn tỉnh là khá lớn, khoảng 70-100 tàu đóng mới/năm và khoảng 30% tàu cá của tỉnh cộng với khoảng 300-500 tàu cá ngoài tỉnh có nhu cầu sửa chữa hàng năm.
>>Phú Yên đã có chủ trương duy trì và phát triển hệ thống cơ sở cơ khí, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền ở các địa phương ven biển. Tỉnh đang khuyến khích các cơ sở này đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, đội ngũ công nhân đạt chuẩn, dây chuyền công nghệ hiện đại, quy mô lớn. Tỉnh đang khuyến khích đầu tư xây dựng mới các nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu cá vật liệu mới như composite, polypropylene polystone compolymer, thép và khuyến khích ngư dân từng bước thay thế các tàu cá vỏ gỗ… Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Tri Phương |