T2, 06/07/2020 12:30

Ngăn chặn tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài

Chưa có đánh giá về bài viết

Dù ngành chức năng của tỉnh và các địa phương liên quan đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân Bình Thuận đánh bắt hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng…

Ngừng việc hỗ trợ theo chính sách nếu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ngừng việc hỗ trợ theo chính sách nếu vi phạm vùng biển nước ngoài.

Vì nguồn lợi trước mắt

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm Bình Thuận có hàng chục tàu cá vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Hầu hết các tàu cá vi phạm đều bị tịch thu, một số ngư dân còn bị phạt tù theo pháp luật của nước sở tại. Năm nay, tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài diễn biến khá phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay có 13 vụ/21 tàu/188 lao động vi phạm. Trong đó, có 7 vụ vi phạm vùng biển Malaysia và 6 vụ vi phạm vùng biển Indonesia. Riêng La Gi có 18 tàu vi phạm, huyện Phú Quý có 3 tàu vi phạm. Đặc biệt, trong số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có 3 tàu (2 tàu ở Phú Quý, 1 tàu ở La Gi) được đầu tư đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Trước tình hình trên, các địa phương đều đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để chấn chỉnh, xử lý. Theo đánh giá của Thị ủy La Gi, tình hình tàu thuyền của ngư dân thị xã khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống của ngư dân. Nguyên nhân chủ yếu do ngư dân chạy theo luồng cá vô tình xâm phạm vùng biển nước ngoài, ý thức chấp hành luật pháp một số ngư dân còn hạn chế (vì nguồn lợi trước mắt), công tác quản lý của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, tàu thuyền ngư dân chưa trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc…

 Ngừng hỗ trợ chính sách nếu vi phạm

Theo đánh giá của ngành chức năng, tuy số tàu cá vi phạm có chiều hướng gia tăng nhưng các biện pháp để giải quyết vấn đề thiếu bền vững; các chế độ, chính sách đối với lĩnh vực thủy sản vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế; các địa phương chưa quyết liệt trong xử lý. Trong khi đó, nguồn lợi thủy sản đang bị suy giảm nghiêm trọng, cường lực khai thác vượt quá trữ lượng cho phép gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của ngư dân.

Do đó, ngày 29/11/2016, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển tăng cường các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện tốt Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ hải sản trên các vùng biển xa, bảo đảm chính xác, kịp thời và đúng đối tượng. Tăng cường theo dõi, quản lý tàu cá xa bờ thông qua hệ thống thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh GPS của trạm bờ và đài tàu, thực hiện nghiêm túc quy định chế độ báo cáo vị trí tàu trên vùng biển xa. Tàu cá đăng ký tham gia hoạt động trên vùng biển xa bắt buộc phải trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh GPS và phải mở máy thường xuyên khi hoạt động trên biển để cơ quan chức năng theo dõi, kiểm tra khi cần thiết.

Đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngừng thực hiện việc hỗ trợ theo chính sách theo Quyết định 48, tham mưu đưa chủ tàu vi phạm ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động trên vùng biển xa và xóa tên chủ tàu vi phạm trong danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trước mắt, cần chú trọng phát triển tàu cá đóng mới bằng vật liệu mới composite (FRP), vỏ thép trang bị hiện đại làm các nghề ít có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài như: nghề mành chụp, lưới rê, vây rút chì; khuyến khích tàu cá nâng cấp chuyển đổi nghề từ nghề lưới kéo sang các nghề khác hoạt động trên vùng biển xa. Chủ tàu đóng mới, nâng cấp tàu cá có vay vốn tín dụng theo Nghị định 67 bắt buộc phải làm cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài trước khi được cấp phép hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tàu cá xa bờ. Khi phát hiện tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài thì tiến hành điều tra, làm rõ và kiên quyết xử lý theo luật định. Công an tỉnh phải triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các đường dây móc nối với tổ chức, cá nhân đưa tàu cá và ngư dân ra vùng biển nước ngoài khai thác, thu mua hải sản hoặc tổ chức chuộc tàu và ngư dân về trái phép. UBND các huyện, thị xã, thành phố vùng biển phải chủ trì tổ chức tuyên truyền, thường xuyên theo dõi, kiểm tra để ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm. Tàu cá của địa phương nào vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

LÊ PHÚC

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!